Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Giải pháp lâu dài đưa hàng Việt về nông thôn


Đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa là một nét đẹp của các doanh nghiệp Việt hưởng ứng Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, góp phần thiết thực bảo đảm an sinh xã hội.

Người dân huyện Củ Chi (TP HCM) đang mua sắm trong chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” của Saigon Co.op.

Không chỉ nhằm mục đích bán hàng

Hưởng ứng Cuộc vận động, ở nhiều địa phương cũng đã tổ chức các phiên chợ và bước đầu đạt kết quả tốt. Có tỉnh mỗi năm tổ chức từ 15 đến 20 phiên chợ hàng Việt từ những khu vực trung tâm, giao thông thuận lợi,  tới  vùng sâu, vùng xa.

Ðiểm nổi bật là hàng hóa đưa đến các chợ phong phú, đa dạng, chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao. Giá cả bán cho người tiêu dùng phù hợp, thường thấp hơn giá thị trường từ 5 đến 10%. Các mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất là hàng gia dụng, thực phẩm công nghệ, may mặc…

Những kết quả bước đầu đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng, tin tưởng về chất lượng, phù hợp với túi tiền. Tuy nhiên, mục đích của các phiên chợ hàng Việt không chỉ là bán hàng, mà thông qua nhiều hoạt động khác còn khẳng định vai trò to lớn của thị trường nông thôn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Ðó là tìm cách tiếp thị, quảng bá tập trung, tạo cầu nối và ấn tượng mạnh từ người sản xuất đến người tiêu dùng.

Trong đó, bao gồm nhiều hoạt động như hướng dẫn cho các tiểu thương, tọa đàm với người tiêu dùng, tư vấn khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, tặng quà khuyến học cho học sinh nghèo, v.v…

Một ví dụ về sự thành công trong việc đưa hàng Việt về nông thôn là sự kiện hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đều đặn được tổ chức tại An Giang từ năm 2000 đến nay. So với năm 2010, số doanh nghiệp tham gia hội chợ HVNCLC năm 2011 vào trung tuần tháng 3/2011 vừa qua tăng 18% và số gian hàng tăng 10%.

Hội chợ thu hút gần 300.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm. Các doanh nghiệp tham gia đã mở mới 89 điểm phân phối, đại lý, 92 biên bản ghi nhớ và 15 hợp đồng được ký kết. Doanh số bán hàng trực tiếp của doanh nghiệp ước tính trên 20 tỷ đồng.

Hội chợ HVNCLC tại An Giang còn mở ra kênh giao thương quan trọng cho hàng Việt đi vào thị trường Campuchia. Ông Hun Sophon – Tổng thư ký Hiệp hội thương mại Campuchia cho biết đã bắt gặp được những nhu cầu của đôi bên, sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp HVNCLC trong việc phân phối và tiêu thụ hàng hóa.

Còn tại tỉnh Tây Ninh, từ 22 đến 24/4 tới đây, Chương trình “Hàng Việt về nông thôn” của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ diễn ra tại cửa khẩu thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Đây là phiên chợ thứ 7 kể từ đầu năm 2011 nhưng là phiên chợ hàng Việt đầu tiên đến vùng biên giới.

Giải pháp cụ thể, bài bản hơn

Thị trường nông thôn được nhiều doanh nghiệp nhận định là thị trường lớn, đầy tiềm năng. Qua các phiên chợ hàng Việt, có thể thấy bên cạnh những kết quả đạt được, để “đánh thức” thị trường nông thôn phải có những giải pháp cụ thể, bài bản và lâu dài hơn.

Các phiên chợ hàng Việt cần bảo đảm về quy mô, thời gian, trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong quá trình giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn và trực tiếp bán hàng, tư vấn cách bảo quản, sử dụng hàng hóa. Đồng thời, làm tốt hơn các chương trình hỗ trợ truyền thông, tiếp thị cho các sản phẩm mới, đưa các sản phẩm hàng hóa trong nước tới tay người tiêu dùng…

Chủ tịch HÐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, việc tổ chức bán hàng lưu động tại thị trường nông thôn cần được đầu tư chiều sâu nhằm tạo kênh bán hàng mới quan trọng, thúc đẩy tăng doanh thu gắn với việc phát triển thương hiệu của Tổng công ty.

Ðến hết năm 2010, Tổng công ty đã triển khai hơn 80 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành Hà Nội, nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng nông thôn. Năm 2011, Hapro sẽ tiếp tục tăng quy mô và tần suất các chuyến bán hàng, tập trung nghiên cứu phát triển hoạt động phân phối hàng Việt, nhất là các sản phẩm do tổng công ty sản xuất tại thị trường nông thôn, làm bước đệm hình thành hệ thống bán lẻ, phân phối văn minh, hiện đại tại khu vực này.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp chỉ đơn thuần tham gia các phiên chợ, các chuyến bán hàng về nông thôn… là chưa đủ để thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường này. Bởi một vài tháng mới có một chuyến hàng về nông thôn thì không thể tạo ra hiệu ứng tốt với thị trường, người tiêu dùng không có cơ hội sử dụng thường xuyên hàng Việt, từ đó khó có thể xây dựng thói quen tiêu dùng hàng Việt.

Ðiều quan trọng là doanh nghiệp phải tự xây dựng, hình thành hệ thống phân phối của mình tại thị trường nông thôn. Song, do chi phí tổ chức, quản lý nhân viên, vận chuyển hàng hóa về vùng nông thôn còn tốn kém, trong khi doanh nghiệp trong nước phần lớn tiềm lực tài chính còn hạn chế nên cần có những chính sách hỗ trợ thích hợp của Nhà nước.

Vũ Trọng


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét