Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Đại tướng Phùng Quang Thanh đề cập diễn biến ở Biển Đông và chính sách quốc phòng Việt Nam


Ngày 5/6, trong bài phát biểu với chủ đề “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới” tại phiên họp toàn thể, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhận định tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, nhưng đôi khi vẫn xảy ra các va chạm, gây lo ngại cho các quốc gia ven biển.
Sau bài phát biểu “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới” tại phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri – La 10, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã giải đáp rõ ràng, hợp lý các câu hỏi liên quan tới những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách quốc phòng của Việt Nam.

Nguyen Tan Dung, Phung Quang Thanh
Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 10. Ảnh: qdnd.vn
An ninh biển là vấn đề được đặc biệt quan tâm tại Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La 10) diễn ra ở Singapore.
Gần đây nhất là vụ ngày 26/5, tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, gây lo ngại đến việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới.
Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tăng cường xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và thế giới, vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Sau bài phát biểu, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã giải đáp rõ ràng, hợp lý các câu hỏi liên quan tới những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách quốc phòng của Việt Nam.
Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ hiện ở Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền giữa các nước, gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Vùng biển này chưa phân định được nên thỉnh thoảng trên Biển Đông vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Những vụ việc như vậy vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây lo ngại cho Việt Nam và các nước trong khu vực.
Về việc hoạch định vùng đánh cá cho ngư dân, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam luôn tuân theo Công ước về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và hướng dẫn khu vực đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam  cho ngư dân. Tuy nhiên, đôi khi ngư dân Việt  Nam cũng vi phạm vùng biển của các nước xung quanh và ngư dân các nước vi phạm vùng biển của Việt Nam. Những vụ việc như vậy cần được xử lý theo luật pháp quốc tế, theo tinh thần láng giềng hữu nghị và nhân đạo chứ không được xâm phạm thân thể và tài sản của ngư dân.
Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh cần phải có sự hợp tác chặt chẽ về nghề cá giữa các nước, có tuần tra chung của hải quân, thiết lập đường dây nóng để duy trì an ninh, trật tự trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân làm ăn.
Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ hàng năm, vào mùa cá sinh sản, Trung Quốc thường ban hành lệnh cấm đánh bắt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhưng Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá vào cả vùng biển của Việt Nam. Đây là việc làm Việt Nam không đồng tình và đã phản đối qua đường ngoại giao.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam chủ trương những tranh chấp song phương ở Biển Đông cần được giải quyết song phương, những tranh chấp đa phương cần được đàm phán đa phương. Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, “Đường 9 khúc” mà Trung Quốc tuyên bố là tranh chấp đa phương.
“Đường 9 khúc” này không có cơ sở pháp lý, không đúng với UNCLOS 1982. Trung Quốc cần đàm phán giải quyết với các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, trên tinh thần hữu nghị, đưa ra giải pháp công bằng, hợp lý mà các bên có thể chấp nhận để đạt được mục đích hòa bình và phát triển trong khu vực
Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết Việt Nam chủ trương tổ chức giao lưu văn hóa, thể thao cho lực lượng vũ trang của Việt Nam và Philippines đang đóng ở Song Tử Tây của Việt Nam và Song Tử Đông do Philippines đang quản lý, để xây dựng lòng tin, tăng cường hữu nghị và giảm căng thẳng, không xảy ra xung đột.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng cho rằng trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, Indonesia đã phối hợp rất chặt chẽ với các nước ASEAN nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Tại Hội nghị ADMM-5 diễn ra tháng trước tại Jakarta, các Bộ trưởng đã đạt được sự đồng thuận về đánh giá tình hình, đưa ra giải pháp để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Đặc biệt, trong Tuyên bố chung của Hội nghị, các bên cam kết thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới ASEAN cùng Trung Quốc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Về câu hỏi tại sao Đài Loan tới nay không có cơ hội tham gia giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói rằng đây là vấn đề nằm trong chính sách “một Trung Quốc”. Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Đài Loan và Trung Quốc cần bàn bạc nội bộ để có một đại diện chung.
Liên quan tới việc Việt Nam mua tàu ngầm, Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ Việt Nam đã ký hợp đồng mua của LB Nga 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo 686. Các tàu ngầm này sẽ chỉ hoạt động trong vùng biển của Việt Nam. Việc làm bình thường này rất công khai và minh bạch.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng cho biết thêm Việt Nam  đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, phát triển kinh tế được xác định là nhiệm vụ trung tâm và bảo đảm quốc phòng – an ninh để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên.
Khi kinh tế phát triển, Việt Nam từng bước hiện đại hóa quân đội, trong đó ưu tiên hiện đại hóa hải quân, phòng không – không quân, thông tin liên lạc,… để bảo vệ hòa bình, bảo vệ đất nước. Chính sách quốc phòng của Việt Nam là tự vệ, chứ không nhằm vào nước khác và không bao giờ đi xâm lấn bờ cõi của nước khác.
Về câu hỏi liên quan tới bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Đối thoại Shangri-La 10, Đại tướng Phùng Quang Thanh hoan nghênh và đánh giá cao bài phát biểu này, cho rằng bài phát biểu thể hiện rõ đường đối ngoại hòa bình và trách nhiệm của Trung Quốc trong quá trình phát triển hòa bình.
Việt Nam luôn coi việc Trung Quốc, một nước xã hội chủ nghĩa, phát triển hòa bình, có quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam, cho khu vực và thế giới. Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh Việt Nam luôn mong muốn Trung Quốc thực hiện đúng như những tuyên bố của nước này với thế giới.
Tối 5/6, Đại tướng Phùng Quang Thanh và Đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến đi dự Đối thoại Shangri-La 10.
Nguyễn Chiến

(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào


Chiều nay (6/6), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp thân mật đồng chí Cheuang Sombounkhan, Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bộ trưởng, Trưởng Ban thư ký Nội các Chính phủ Lào đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, sự hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Ban Thư ký Nội các Chính phủ Lào, Văn phòng Phủ Thủ tướng Lào sẽ góp phần vào thành công chung của hai nước.

Sự hợp tác của Văn phòng Chính phủ hai nước góp phần thắt chặt quan hệ Việt – Lào
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mối quan hệ Việt – Lào là quan hệ đặc biệt đồng chí anh em thủy chung, do đó Việt Nam luôn coi trọng và làm hết sức mình để vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai dân tộc anh em ngày càng tốt đẹp hơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh kết quả của cuộc hội đàm sáng nay giữa Lãnh đạo VPCP Việt Nam và Lãnh đạo Ban Thư ký Nội các Chính phủ Lào cùng Văn phòng Phủ Thủ tướng Lào, đây là đóng góp quý báu, thể hiện cho tình hữu nghị sắt son, đặc biệt giữa hai nước Việt – Lào anh em.
“Chính phủ Việt Nam ủng hộ các thỏa thuận hợp tác được ký kết sáng nay giữa VPCP Việt Nam và Ban Thư ký Nội các Chính phủ Lào, Văn phòng Phủ Thủ tướng Lào”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ vui mừng trước quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế giữa hai nước 6 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và mong muốn hai bên cùng nhau hợp tác chặt chẽ, thiết thực hơn, cũng như tìm ra phương thức hợp tác mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển KT-XH giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hai Đảng, hai Nhà nước có nhiều điểm tương đồng. Vì vậy, hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, sự hợp tác giữa hai Văn phòng sẽ đóng góp lớn vào thành công chung của hai nước.
Đồng chí Cheuang Sombounkhan cho biết, hiện nay Đảng và Chính phủ Lào tập trung nỗ lực cho việc kiềm chế lạm phát đang có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, chuẩn bị tích cực công tác nhân sự cho Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Lào Khóa VIII tới đây.
Các kinh nghiệm của VPCP Việt Nam trong việc ứng phó với lạm phát sẽ là bài học quý báu cho Chính phủ Lào hiện nay.
Đặc biệt, sự giúp đỡ quý báu và thiết thực của VPCP Việt Nam về công nghệ thông tin, xây dựng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Lào, nâng cao năng lực tham mưu tổng hợp cho cán bộ Ban Thư ký Nội các Chính phủ Lào và Văn phòng Phủ Thủ tướng sẽ giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Lào hiệu quả hơn.
Lê Sơn- Nhật Bắc

(Theo www.nguyentandung.org)

Vietnam lawyers urge China to respect int’l sea laws


China needs to strictly abide by the UN Charter and the 1982 UN Convention on the Law of the Sea, in which China is a member, and relevant international laws.
The Vietnam Lawyers’ Association (VLA) has made the comment while reacting to the case happened on May 26 when three Chinese marine surveillance vessels cut surveying cables of the Binh Minh 02, a surveying ship of the Vietnam National Oil and Gas Group (PetroVietnam) when it was conducting seismic surveys well within Vietnam ’s continental shelf.
Nguyen Tan Dung
Chinese marine surveillance vessel violates Vietnam's waters
VLA stated that this action seriously violated the UN Charter (clause 3 of Article 2, and clause 4 of Article 2) and the 1982 UN Convention on the Law of the Sea (clause 3 of Article 58, Article 76, clause 1 of Article 77, and Article 301) as well as Vietnam’s sovereignty rights and jurisdiction rights over its exclusive economic zone and continental shelf, and caused economic damages for PetroVietnam.
The association also stated that the action also went against commitments China made in the Declaration on the Conduct of Parties in the East Sea (DOC) signed between ASEAN and China in 2002 as well as the common perception of the high-ranking leaders of Vietnam and China.
Therefore, VLA asked the Chinese side to seriously implement commitments prescribed in the DOC and not to repeat similar acts in the exclusive economic zone and continental shelf of Vietnam as well as pay for damages caused by the three marine surveillance vessels for PetroVietnam.
The association said it always wants to boost the traditional friendship and cooperation between the two countries’ people and lawyers, and works together with the Chinese side to protect justice and international law, respect independence, sovereignty and territorial integrity of all countries as well as maintain peace and security in the region and the world at large.

(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Ý kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xử lý sau thanh tra Vinashin


Ngày 27/5/2011, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3456/VPCP-KNTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc xử lý sau thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Theo văn bản này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tập đoàn Vinashin. Thủ tướng giao Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Vinashin, các Bộ, ngành liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Nguyen Tan Dung
Vinashin phải tập trung mọi nguồn lực từng bước ổn định sản xuất, ưu tiên dồn sức hoàn thành các hợp đồng đóng tàu đang thực hiện
Được biết, một trong các nội dung kiến nghị sau thanh tra của Thanh tra Chính phủ là Tập đoàn Vinashin cần phải tập trung mọi nguồn lực từng bước ổn định sản xuất, ưu tiên dồn sức hoàn thành các hợp đồng đóng tàu đang thực hiện để bàn giao cho khách hàng đúng tiến độ, bảo đảm việc làm và giữ đội ngũ lao động, nhất là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề. Bên cạnh đó, rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư, chỉ đạo việc lập và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư đối với các hạng mục, dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; kiên quyết cắt giảm những dự án, hạng mục đầu tư không phù hợp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Vinashin theo thẩm quyền và phân cấp quản lý tiến hành kiểm điểm và chỉ đạo việc kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý cụ thể đối với tập thể, cá nhân có sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra. Đồng thời, khẩn trương ban hành các Quy chế quản lý, đề xuất kịp thời, cụ thể với cơ quan chức năng để xử lý những vướng mắc, bất cập trong cơ chế hoạch toán, tài chính giữa Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Đánh giá đúng giá trị tài sản thực tế hiện có và dư nợ phải thanh toán của Vinashin
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá đúng giá trị tài sản thực tế hiện có và dư nợ phải thanh toán của Tập đoàn Vinashin; kiểm soát chặt chẽ việc cơ cấu vốn mà Tập đoàn đã đầu tư vào các lĩnh vực không trực tiếp gắn kết với lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.
Bộ Tài chính cũng cần nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý III/2011 cơ chế xử lý tái cơ cấu tài chính, giảm thiểu tổn thất về tài sản, tiền vốn của nhà nước khi thực hiện việc thoái vốn, chuyển nhượng dự án. Đồng thời có cơ chế xử lý nguồn tài chính để Tập đoàn tái cơ cấu thành công theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo chuyển hồ sơ một số vụ việc theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ sang Bộ Công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Quý III tổng kết việc thí điểm thành lập các Tập đoàn kinh tế Nhà nước
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan trong quý III/2011 tổng kết việc thí điểm thành lập các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, đề xuất hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp (trong đó có việc thực hiện quyền quản lý Nhà nước, quyền của chủ sở hữu) nhằm khắc phục những sơ hở, hạn chế, yếu kém trong quản lý và hoạt động của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động “cấp tín dụng” không phù hợp quy định pháp luật của các Công ty mẹ, Công ty Tài chính trong các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn và hiệu quả của các nguồn vốn.
Từ ngày 19/7/2010 đến ngày 19/11/2010, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại Công ty mẹ – Tập đoàn Vinashin, 19 đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Vinashin.
Trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ tập trung kiểm tra xác minh 3 vấn đề: Về thể chế tổ chức, hoạt động của Tập đoàn Vinashin; vấn đề tài chính của Tập đoàn; vấn đề quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản.
Tuấn Khang

(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam – Đức hướng tới quan hệ đối tác chiến lược


Việt Nam vui mừng thấy rằng, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức đang phát triển rất tốt đẹp trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy tại cuộc tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa liên bang Đức Guido Westerwelle chiều nay (4/6), tại Trụ sở Chính phủ.
Hiện kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Đức đạt khoảng 6 tỷ USD và khoảng 200 doanh nghiệp của Đức đang hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Nguyen Tan Dung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa liên bang Đức Guido Westerwell
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi nước cho hợp tác và phát triển.
Đi liền với đó, hợp tác về giáo dục-đào tạo, khoa học kỹ thuật, giao lưu nhân dân cũng là những lĩnh vực mà hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa.
“Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn cùng với Đức tiếp tục thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác ngày càng đi vào sâu rộng, hiệu quả”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Đánh giá cao kết quả hội đàm giữa lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam với Bộ trưởng Guido Westerwelle, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng, với những kết quả đạt được trong hội đàm, hai bên sẽ tích cực triển khai những thỏa thuận đã thống nhất; chuẩn bị tốt các điều kiện để tiến tới sớm đưa quan hệ hợp tác Việt Nam – Đức lên tầm đối tác chiến lược khi Thủ tướng Đức sang thăm Việt Nam vào cuối năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cảm ơn Chính phủ Đức đã tài trợ hiệu quả cho một số công trình phúc lợi của Việt Nam, mong muốn Đức tiếp tục dành ODA cho Việt Nam.
Việt Nam luôn đánh giá vao vai trò của Đức trên trường quốc tế, ủng hộ Đức là thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Guido Westerwelle cho biết, lập trường trước sau như một của Đức là mong cùng với Việt Nam đưa quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược; mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực; trong đó lấy hợp tác kinh tế là gốc rễ, là nền tảng để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực khác.

Nguyen Tan Dung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Guido Westerwelle chứng kiến lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của hai nước ký kết một số Hiệp định
Bên cạnh đó, Đức cũng mong muốn được sự ủng hộ của Việt Nam trên các diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực.
Đức sẽ nỗ lực hết mình để triển khai sâu rộng các dự án hợp tác mà hai bên đã thống nhất, nhất là những dự án hợp tác lớn; đồng thời sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trên các lĩnh vực giữa hai nước, Bộ trưởng Guido Westerwelle bày tỏ.
Sau buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Guido Westerwelle đã chứng kiến lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của hai nước ký kết Hiệp định tài trợ của Chính phủ Đức cho dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 – TP Hồ Chí Minh trị giá trên 212 triệu Euro; Hiệp định tài trợ của Chính phủ Đức cho dự án Chương trình đào tạo nghề trị giá 10 triệu Euro; Thỏa thuận riêng khoản vay đợt 2 của Ngân hàng Tái thiết Đức cho dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 – TP Hồ Chí Minh.
Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc

(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

PM Nguyen Tan Dung applauds VN-Germany relationship


PM Nguyen Tan Dung applauded the fine developments of the Việt Nam-Germany relationship during his meeting with German FM Guido Westerwelle in Ha Noi on Saturday. The two-way trade between the two countries reached US $6 billion in 2010 and many German businesses have been investing in Việt Nam.

PM Nguyen Tan Dung welcomes German FM Guido Westerwelle, Ha Noi, June 4, 2011 – Photo: VGP

PM Nguyen Tan Dung said that potentials for bilateral cooperation still remain vast. He urged both sides to expand trade and investment promotion activities for mutual prosperity.

Both countries should also boost cooperation in education, training, science and technology, and people-to-people exchange, he said.

Việt Nam always attaches importance to consolidating and enhancing relations with Germany, the Government chief affirmed.

Praising the outcomes of the talks between Deputy FM Phạm Bình Minh and FM Guido Westerwelle, PM Nguyen Tan Dung hoped that the two countries would actively lift up the bilateral ties to strategic level on the occasion of the German PM’s visit to Việt Nam at the end of this year.

PM Nguyễn Tấn Dũng and German FM Guido Westerwelle witness the signing ceremony of some cooperative agreements between leaders of the two sides’ ministries, sectors, and localities, Hà Nội, June 4, 2011 – Photo: VGP

PM Nguyen Tan Dung said that Việt Nam always speaks highly of Germany’s role on the international arena, advocates the European country to become a permanent member of the United Nations Security Council.

For his part, the visiting FM, Guido Westerwelle, stressed Germany’s consistent stance to push the bilateral ties to strategic partnership.

He said that Germany will strive to implement joint projects agreed by both countries and speed up trade and investment promotion activities.

Later the same day, PM Nguyen Tan Dung and FM Guido Westerwelle witnessed the signing ceremony of a number of cooperative agreements regarding Germany’s financial assistance for the construction of the metro line 2 in Hồ Chí Minh with total investment capital of €212 million, for vocational training program worth of € 10 million.

By Hải Minh


(Theo www.nguyentandung.org)

Phản đối tàu quân sự Trung Quốc dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam


Ngày 2-6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối việc lực lượng hải quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nguyen Tan Dung
tàu cá Việt Nam
Đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh hành động trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và cản trở tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực này.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết ngày 1-6, 3 tàu quân sự của Trung Quốc đã dùng súng uy hiếp tàu cá PY 92305 TS của ngư dân tỉnh Phú Yên trong khi họ đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
PV

(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc


Bên lề Đối thoại Shangri-La 10 tại Xin-ga-po, chiều 3-6, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thượng tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.
Tại cuộc gặp, Đại tướng Phùng Quang Thanh và Thượng tướng Lương Quang Liệt đã vui mừng gặp lại nhau tại Xin-ga-po sau các chuyến thăm của hai bên tới Trung Quốc và Việt Nam. “Tôi vẫn còn nhớ chuyến thăm Việt Nam khi Việt Nam tổ chức ADMM+ đầu tiên, một hội nghị rất thành công với nhiều vấn đề quan trọng đã được thảo luận”, Thượng tướng Lương Quang Liệt nói.
Thượng tướng Lương Quang Liệt cho biết, trong lần đầu tiên dự Đối thoại Shangri-La, Thượng tướng sẽ có bài phát biểu về Tương lai hợp tác an ninh của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh đến cam kết của Trung Quốc về việc phát triển hòa bình, mọi bên “cùng thắng”.
Đại tướng Phùng Quang Thanh chúc mừng Bộ trưởng Lương Quang Liệt lần đầu tiên dự Đối thoại Shangri-La để đóng góp vào hòa bình và ổn định chung của khu vực. “Tôi nghĩ với nội dung như vậy, phát biểu của đồng chí sẽ được Việt Nam và cộng đồng quốc tế quan tâm”.

Nguyen Tan Dung
Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc
Đại tướng Phùng Quang Thanh cảm ơn Thượng tướng Lương Quang Liệt đã sang dự và đóng góp tích cực vào thành công của ADMM+ đầu tiên. Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đánh giá cao chuyến thăm vừa qua của Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng; cho rằng chuyến thăm đã để lại những tình cảm và ấn tượng tốt đẹp.
Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá quan hệ Việt – Trung đang phát triển tốt đẹp. Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quan hệ tốt đẹp giữa hai nước còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. “Đôi khi vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc mà hai bên không mong muốn”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.
Trên tinh thần láng giềng đoàn kết, hữu nghị, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nêu rõ sự việc tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 ngày 26-5 đã bị tàu Hải giám của Trung Quốc cắt cáp khi tàu Bình Minh 02 đang hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Vụ việc  đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại. Tại Hội nghị này, một số quan chức và báo giới cũng hỏi tôi về sự việc”, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết.
Đại tướng Phùng Quang Thanh đề nghị các cơ quan cấp dưới của hai bên chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước. Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “Hai bên cần bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), một văn kiện đã được ký giữa ASEAN và Trung Quốc”.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng, hai bên cần tích cực hợp tác, hết sức kiềm chế để không xảy ra những vụ việc tương tự, điều sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương và hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực.
Theo đề nghị của Ban tổ chức Đối thoại Shangri-La, Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể về chủ đề “Đối phó với những thách thức an ninh biển mới”. “Bài phát biểu của tôi sẽ đề cập đến sự việc tàu Bình Minh 02 một cách khách quan để khu vực và thế giới hiểu đúng. Dù tôi không đề cập thì thế giới cũng biết rõ vì trên tàu Bình Minh 02 có thuyền trưởng là người Nga và có thủy thủ đoàn mang nhiều quốc tịch khác nhau”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.
Thượng tướng Lương Quang Liệt nhất trí với đánh giá của Đại tướng Phùng Quang Thanh về quan hệ Việt – Trung đang phát triển tốt đẹp và cũng cho rằng vấn đề còn tồn tại giữa hai nước là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Thượng tướng Lương Quang Liệt cho biết, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao. “Trung Quốc sẵn sàng thảo luận vấn đề này ở các diễn đàn đa phương và phản đối các hành động đơn phương. Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và thực thi đầy đủ DOC”, Thượng tướng Lương Quang Liệt nói.
Thượng tướng Lương Quang Liệt nhất trí với ý kiến của Đại tướng Phùng Quang Thanh về việc hai bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn kiện khác. “Quân đội hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi không mong muốn sự việc tương tự xảy ra trong tương lai. Chúng tôi xin nói rõ là Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc không có hành động can dự nào vào sự việc vừa diễn ra”, Thượng tướng Lương Quang Liệt khẳng định.
Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông có thể phải giải quyết lâu dài. Do vậy, ngành ngoại giao hai nước cần đàm phán hòa bình và lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đối thoại, đưa ra những quyết sách mà hai bên có thể chấp nhận được. Việt Nam cũng sẵn sàng cùng Trung Quốc hợp tác cùng phát triển ở khu vực hai nước có tranh chấp thực sự chiểu theo UNCLOS 1982.
Đại tướng Phùng Quang Thanh đề nghị quân đội hai nước cần bình tĩnh, kiềm chế, không để xảy ra xung đột, gương mẫu thực hiện cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, đó là phấn đấu trở thành những người đồng chí, láng giềng, bạn bè, đối tác tốt của nhau.
Tin, ảnh: Bảo Trung

(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh gặp đoàn New Zealand và Mông Cổ


Bên lề Diễn đàn an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Đối thoại Shangri-la 10) diễn ra tại Singapore, chiều 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, Tiến sĩ Waynne Mapp và Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ Luvsanvandan Bold.

Tại cuộc gặp Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Waynne Mapp chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên. Bộ trưởng Waynne Mapp cho biết hiện New Zealand đang tích cực triển khai kết quả của ADMM+ khi cùng Philíppin đồng bảo trợ sáng kiến hợp tác trong lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình.

 

Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh

Đại tướng Phùng Quang Thanh cảm ơn New Zealand đã tích cực đóng góp để ADMM+ đầu tiên thành công tốt đẹp và đánh giá cao việc New Zealand và Philippines đang tích cực hiện thực hóa một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên mà ADMM+ đã xác định.

Hai Bộ trưởng đánh giá quan hệ song phương đang phát triển tốt đẹp và nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao. Đại tướng Phùng Quang Thanh đề nghị hai bên đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bộ trưởng Waynne Mapp khẳng định New Zealand sẽ tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo tiếng Anh cho sĩ quan. Tại cuộc gặp, hai Bộ trưởng cũng trao đổi các vấn đề an ninh khu vực cùng quan tâm, trong đó có việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ Luvsanvandan Bold, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2010 của Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ là dấu mốc quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn ở tất cả các cấp. Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đề nghị các cơ quan liên quan của hai bên nhanh chóng triển khai công việc cụ thể để có thể ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Mông Cổ vào thời điểm thích hợp.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Lương Quang Liệt./.


(Theo www.nguyentandung.org)

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kiên định kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô


Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên định thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP, tập trung chỉ đạo, điều hành để kiểm soát lạm phát năm 2011 ở khoảng 15%, tăng trưởng GDP đạt 6%.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 trong 2 ngày 1-2/6 trong bối cảnh 5 tháng đầu năm, công tác chỉ đạo điều hành và đặc biệt việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP đạt được những kết quả bước đầu tích cực nhưng cũng còn nhiều khó khăn, không thể chủ quan, xem thường.

Chính phủ họp phiên thường kỳ

Những kết quả tích cực

Trong bối cảnh chung kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, nhiều quốc gia lạm phát cao, an ninh năng lượng, an ninh lương thực bị đe dọa, tình hình an ninh chính trị thế giới diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình phát triển KTXH 5 tháng đầu năm đã có những kết quả tích cực.

Những kết quả đó có thể thấy rõ trong bài toán ổn định kinh tế vĩ mô, với việc kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tăng trưởng tín dụng, quản lý được thị trường ngoại tệ, vàng, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, giữ ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ, đảm bảo tốt hơn cán cân thanh toán, cắt giảm đầu tư công mạnh mẽ, góp phần ổn định vĩ mô.

Bội chi NSNN được đảm bảo dưới 5% (nếu tính con số tuyệt đối mới ở mức 19% kế hoạch năm), CPI đang có chiều hướng giảm mạnh đà tăng, nhiều mặt hàng đang giảm giá; kim ngạch xuất khẩu tăng ấn tượng tới 32,8% với lượng hàng hóa XK tăng lên đáng kể (hơn 22%). Công tác an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, các chính sách mục tiêu, hỗ trợ lương thực cho người dân các vùng khó khăn được đẩy mạnh. Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phòng chống tham nhũng tiếp tục có những kết quả tích cực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Các Bộ, ngành và địa phương tập trung vào 8 nhóm giải pháp ưu tiê

Tuy nhiên,  người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý hàng loạt vấn đề nổi lên, đang là thách thức to lớn trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới.

Đó là chỉ số lạm phát có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn cao; nhập siêu còn lớn, làm sao tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo đời sống người nghèo, thu nhập thấp, lao động phổ thông và các khu vực khó khăn.

Bài toán bao trùm lên tất cả là vừa phải mạnh mẽ cắt giảm đầu tư, bình ổn thị trường, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng, ổn định các cán cân vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Mục tiêu tăng trưởng 6%, kiềm chế CPI ở mức 15 %

Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Chính phủ tán thành với Hội đồng tài chính tiền tệ quốc gia về  mục tiêu phát triển KTXH của năm 2011, trong đó phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6%, kiềm chế tăng chỉ số CPI ở mức khoảng 15%, giảm bội chi NSNN dưới 5%, nhập siêu không quá 16% kim ngạch XK, tiết kiệm chi 10%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng cần  “bám chặt”, coi đây là mục tiêu bao trùm để tập trung chỉ đạo, điều hành từ nay đến cuối năm.

Thủ Tướng Nguyễn Tuấn Dũng

Thủ tướng quán triệt các Bộ, ngành và địa phương tập trung vào 8 nhóm giải pháp ưu tiên.

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ưu tiên cho sản xuất. Chú ý kiểm soát nợ xấu ngân hàng, nhất là nợ xấu liên quan tới bất động sản. Điều hành lãi suất theo mục tiêu kiềm chế CPI dưới 15%. Tiếp tục kiểm soát chặt và quản lý được tỷ giá ngoại tệ và vàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để thiếu hàng, ngăn chặn đầu cơ. Đặc biệt giá các mặt hàng thiết yếu, sản phẩm đầu vào của nền kinh tế điều hành theo nguyên tắc thị trường, điều chỉnh phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn theo đúng mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ ba, điều hành các chính sách thu, chi NSNN theo hướng giảm bội chi, tiết kiệm chi thường xuyên, bên cạnh đó đảm bảo thực hiện  an sinh xã hội.

Thứ tư, thực hiện kiểm soát, hạn chế nhập siêu, có các chính sách hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ.

Thứ năm, tiếp tục cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công, tập trung vốn cho các dự án, công trình cấp bách, thiết yếu, trên cơ sở xem xét, giải quyết từng dự án cụ thể, ưu tiên dự án phục vụ sản xuất, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, quốc phòng an ninh. Tiếp tục tháo gỡ thủ tục, tạo môi trường thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ sáu, quan tâm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ tạo công ăn việc làm, xem xét tiếp tục cải cách tiền lương, các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, sinh viên.

Thứ bảy, tăng cường công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.

Thứ tám, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận ở mọi cấp, mọi ngành nỗ lực vượt khó khăn, đạt mục tiêu đã đề ra, thông tin đầy đủ những vấn đề xã hội, dư luận quan tâm.

Cũng trong phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã nghe, thảo luận dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; tổng kết Dự án 5 triệu ha rừng, Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020…

Nguyên Linh- Nhật Bắc


(Theo www.nguyentandung.org)