Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Hạm đội phía bắc của Nga tập trận


Hạm đội phía bắc của Nga tổ chức một cuộc tận trận quy mô lớn trên biển Barents hôm qua, với sự tham gia của các tàu chiến, tàu ngầm, phi cơ chiến đấu và tên lửa.

Đội tàu Kola Flotilla thuộc Hạm đội phía bắc Nga tham gia vào mộc cuộc chiến giả định trên biển Barents. Trong ảnh: các thủy thủ trên tàu chống tàu ngầm Severomorsk.
Trong cuộc diễn tập, các tàu chiến bắn đạn thật, thực hiện các bài tập di chuyển, hợp tác với các đơn vị trên không và định vị phá hủy tàu ngầm của địch.
Cuộc chiến giả định được chỉ huy từ tàu chiến chống tàu ngầm Phó đô đốc Kulakov. Trong ảnh: các thủy thủ đang vận hành hệ thống cản phá radar.
Theo kịch bản cuộc tập trận, các tàu chiến lần lượt ra biển sau khi các đơn vị dò bom đã dọn sạch đường đi.
Sau đó các con tàu phối hợp với phi đội chiến đấu để định vị và phá hủy tàu ngầm của địch. Trong ảnh: Tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường Pyotr Veliky (trái) và tàu chống ngầm Đô đốc Levchenko thả neo tại vũng tàu.
Hai trực thăng Kamov Ka-27 Helix và một phi cơ tuần tra vùng biển Ilyushin Il-38 May sẽ trợ giúp định vị tàu ngầm. Trong ảnh: trực thăng Helix thả phao sonar VGS-3 để phát hiện tàu ngầm.
Sau đó tàu ngầm của địch sẽ bị phá hủy bởi 8 loạt bom phóng ra từ tàu chiến Kulakov. Trong ảnh: thủy thủ tàu Kulakov điều khiển màn hình radar.
Tiếp đến, một tàu chiến chống tàu ngầm và hai tàu truy đuổi tàu ngầm sẽ bắn vào các mục tiêu trên tàu chiến của địch. Trong ảnh: tàu truy đuổi tàu ngầm MPK-203 Yunga.
Tàu chống tàu ngầm Severomorsk bắn mục tiêu từ khẩu pháo một nòng AK-100.
Trong khi trở về cảng, các tàu chiến của đội quân Kola Flotilla bị hai chiến đấu cơ Sukhoi Su-33 Flanker-D tấn công. Trong ảnh: máy bay chiến đấu Sukhoi Su-33 Flanker-D cất cánh từ sân bay để tham chiến.
Các phi cơ chiến đấu này sẽ bị tiêu diệt bởi một cỗ pháo tự động 6 nòng AK-630.

Song Minh (Ảnh: Ria Novosti)


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Vincom có 10 “siêu” trung tâm thương mại vào 2015


Vincom City Tower Hà Nội đã được đổi tên thành Vincom Center. (Ảnh: Vincom)

Trong vòng 5 năm tới, Công ty cổ phần Vincom sẽ có 10 trung tâm thương mại với hai tên gọi là Vincom Center và Vincom Mega Mall, có tổng diện tích hơn 1 triệu m2, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thông tin trên được ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vincom cho biết ngày 31/3.

Theo ông Hiệp, Vincom Center sẽ là thương hiệu dành cho tất cả các Trung tâm thương mại của Vincom có diện tích dưới 100.000 m2. Đây là những trung tâm mua sắm có đẳng cấp quốc tế, sang trọng, có vị trí đắc địa tại các đô thị.

Bên cạnh các khu mua sắm thời trang thông thường, Vincom Center còn có các khu chức năng như siêu thị, các nhà hàng ẩm thực, khu vui chơi giải trí, khu Spa với bể bơi trong nhà, khu rạp chiếu phim…

Như vậy, ngoài trung tâm thương mại tại Bà Triệu (Hà Nội) và Thành phố Hồ Chí Minh, tại địa bàn thủ đô sẽ còn có Vincom Center Long Biên sẽ được khánh thành vào cuối tháng 12 năm nay.

Vincom cũng sẽ phát triển thêm các trung tâm thương mại trong hệ thống này trong những năm tới như ở Đống Đa (Hà Nội), Hải Phòng, Đà Nẵng…

Ông Hiệp cũng cho biết, tên Vincom Mega Mall sẽ được đặt cho các trung tâm thương mại có diện tích trên 100.000 m2. Đây sẽ là các “siêu” trung tâm thương mại với đặc điểm nổi bật là sự hình thành những không gian mua sắm-giải trí hoàn hảo.

Vincom Mega Mall sẽ là nơi hội tụ những nhãn hàng cao cấp của Việt Nam và thế giới, có hệ thống siêu thị rộng lớn, chuỗi các nhà hàng ẩm thực, café sang trọng… Ngoài ra, các Vincom Mega Mall sẽ còn có những quần thể vui chơi giải trí lớn (sân trượt băng, thủy cung, rạp chiếu phim, games…).

Hiện tại, Vincom đang phát triển 2 trung tâm thương mại trong hệ thống Mega Mall tại Hà Nội  (ở Times City tại 458 Minh Khai và Royal City tại 72A Nguyễn Trãi)./.

Đổi tên dự án

Công ty Cổ phần Vincom ngày 31/3 cũng thông báo quyết định đổi tên Dự án Eco City thành Times City.

Theo ông Lê Khắc Hiệp, việc đổi tên này nhằm hai mục đích chính là hướng đến định hướng phát triển thời đại. Ngoài ra, việc đổi tên cũng nhằm khu biệt thương hiệu, tránh sự trùng lặp với các thành tố tên gọi sẵn có, biểu thị tính chất cụ thể của dự án (mà nhiều thương hiệu đã dùng  như Eco, Garden hay Green…).

“Times City là một đô thị đa chức năng mang tính thời đại. Không chỉ là yếu tố sinh thái hay công nghệ, sự ưu tiên của đô thị này còn nằm ở tính năng động, tiện ích, tiện nghi khép kín và một không gian sống mở mang đậm tính trẻ trung, đa phong cách,” ông Hiệp chia sẻ.

Vũ Huy Hùng


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Bộ trưởng Đại tướng Phùng Quang Thanh chỉ đạo bắn nghiệm thu vũ khí cải tiến


Sáng 28-3, tại Trường bắn Quốc gia TB1, Quân chủng Phòng không-Không quân đã tổ chức bắn đạn thật nghiệm thu khí tài và đạn tên lửa trong chương trình cải tiến vũ khí, khí tài chiến đấu. Các đồng chí: Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Trương Quang Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…dự và trực tiếp chỉ đạo.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh động viên chiến sĩ mới phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

đồng nghiệm thu của Quân chủng PK-KQ và các cơ quan Bộ Quốc phòng đã chứng kiến Phân đội 152 (Đoàn B61) tổ chức 5 bài bắn chiến đấu cho bộ khí tài và đạn tên lửa cải tiến. Đây là kết quả của chương trình hợp tác nghiên cứu, góp phần cải thiện các tính năng vượt trội của khí tài, đạn dược. Theo đó, tăng độ tin cậy, khả năng chống nhiễu, tính cơ động và khả năng sống còn cũng như tầm xa đến mục tiêu và xác xuất tiêu diệt mục tiêu, số lượng mục tiêu đồng thời bị tiêu diệt của khí tài và đạn tên lửa…sau cải tiến.

Kết quả, tất cả các kíp chiến đấu, bộ khí tài và các quả đạn đều xuất sắc tiêu diệt mục tiêu theo yêu cầu.

* Chiều cùng ngày, đồng chí Bộ trưởng và các cơ quan của Bộ đã đến thăm, làm việc tại Đoàn B25 (Binh đoàn Hương Giang). Thiếu tướng Nguyễn Đức Thận, Tư lệnh và Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ, Chính ủy Binh đoàn cùng tham dự.

Tên lửa rời bệ phóng tìm tới mục tiêu trong khoảng cự li 35 km

Đại tá Vũ Thành Vinh, Đoàn trưởng Đoàn B25 đã báo cáo khái quát với đồng chí Bộ trưởng những mặt công tác nổi bật trong huấn luyện, SSCĐ, bảo đảm đời sống bộ đội, công tác kỹ thuật của đoàn.

Bộ trưởng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã trực tiếp kiểm tra tình hình, thăm hỏi và động viên cán bộ, chiến sĩ thuộc Phân đội 7, Đơn vị M8. Đồng chí Bộ trưởng biểu dương những thành tích mà Đoàn B25 đạt được trong thời gian qua, xứng đáng với truyền thống 60 năm  xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của một trong những sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy Đoàn tiếp tục bám sát 5 tiêu chí xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện  theo Chỉ thị 917 của Bộ để vừa xây dựng đơn vị, vừa xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao cho.

Tin, ảnh : Trung Kiên


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Làm thế nào khắc phục “đôla hóa” một cách hiệu quả?


Tuyên chiến với “vàng hóa, đô la hóa”

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ ban hành trong lĩnh vực tiền tệ, đã đến lúc cả các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người  dân cùng chung tay, hợp sức để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng “đôla hóa” một cách hiệu quả nhất.

Trong kinh tế thị trường và đời sống xã hội hiện đại luôn có nhiều cách hiểu sai (ngộ nhận) cả về nhận thức cũng như hành động liên quan đến cả quản lý nhà nước, cũng như trong hành xử hàng ngày của mỗi cộng đồng, tập thể, cơ quan, doanh nghiệp, gia đình, và  cá nhân…

Khi nạn “đô la hóa”, tức là dùng đồng đô la Mỹ (USD) làm phương tiện thanh toán phổ biến trong nhiều loại giao dịch trên thị trường tiền tệ như thời gian gần đây cũng không nằm ngoài trạng thái đó.

Có 4 dạng ngộ nhận điển hình chúng ta cần lưu ý để việc khắc phục tình trạng “đô la hóa” hiệu quả.

“Đánh rắn khúc đuôi”

Trước hết, cần thấy rằng “đô la hóa” là hệ quả tự nhiên và tất yếu của hội tụ các nhân tố, mà trước hết là sự mất giá của đồng nội tệ; sự giảm sút lòng tin vào chính sách tiền tệ; sự mất cân đối nghiêm trọng của cung-cầu ngoại tệ như là hệ quả của sự khan hiếm nguồn cung ngoại tệ chính thức và mặt trái của chính sách tỷ giá khiến làm tăng động cơ găm giữ và kỳ vọng tăng tỷ giá.

Ngoài ra, tâm lý này còn bị thúc đẩy bởi những hoạt động đầu cơ  trục lợi dựa trên chênh lệch giá chính thức và tự do, giá trong nước với giá nước ngoài…

Trong bối cảnh đó, việc định giá, giao dịch và cả thanh toán bằng USD hay vàng, cả chính thức hay không chính thức, sẽ trở nên mở rộng như một sự thay thế thuận lợi, an toàn  cho các giao dịch bằng đồng nội tệ đã bị giảm sút nghiêm trọng độ tín nhiệm. Hơn nữa, khi đó, cả người dân và doanh nghiệp cũng sẽ ưa chuộng việc nắm giữ các ngoại tệ hoặc vàng như là phản ứng tự nhiên, giải pháp tình thế để bảo tồn các giá trị tài chính chính đáng của mình, cả với tư cách cất giữ, cũng như phòng khi có việc cần dùng USD trong kinh doanh hoặc việc riêng.

Khi những nguyên nhân này bị che mờ, đánh giá thấp, hoặc vì lý do nào đó không được tính đến, sẽ dễ nẩy sinh sự ngộ nhận coi bản thân việc nắm giữ đôla đó như là nguyên nhân duy nhất và trực tiếp cần xử lý, mà không tập trung tháo gỡ tận gốc những nguyên nhân đích thực nêu trên.

Từ đó sẽ nảy sinh các cực đoan chính sách hành chính khác nhau với các hậu quả khó lường.

Hơn nữa, cần khẳng định rằng, trong bối cảnh toàn cầu và hội nhập hiện đại, xu hướng tăng dần tính chất chuyển đổi tự do nội tệ đang ngày càng gia tăng, cùng với xu hướng ưa chuộng tích trữ vàng cả ở các nước và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.

Quá kỳ vọng vào sức mạnh của biện pháp hành chính

Kinh nghiệm của thời kỳ cơ chế quản lý kinh tế kiểu hành chính quan liêu bao cấp và duy ý chí cho thấy nhiều bài học đắt giá về sử dụng những biện pháp hành chính trong quản lý kinh tế.

Những biện pháp cấm đoán hành chính cực đoan thường lợi bất cập hại, nhất là về lâu dài, vì thường đưa lại những hậu quả ngược với hiệu quả và kỳ vọng dù tốt đẹp nhất ban đầu.

Hơn nữa, việc cấm đoán thường dễ tạo ra những kẽ hở (do không thể có một bộ luật chi tiết nào đủ sức che chắn và bao quát hết các tình hưống và khả năng muôn hình vạn trạng của cuộc sống), mà việc vượt qua không mấy khó khăn, đồng thời mở rộng những cơ hội “vàng” và mảnh đất tốt làm bộc phát  các hành vi đầu cơ, trục lợi và lạm dụng từ sự độc quyền phi kinh tế…

Đặc biệt, các biện pháp hành chính thường không chỉ ngộ nhận về sức mạnh toàn năng của mình mà còn ít khi tính đến đầy đủ sự đáp ứng thuận lợi và tôn trọng những lợi ich hợp pháp của người dân và doanh nghiệp về nhu cầu tích trữ tài sản và thanh toán quốc tế bằng ngoại hối.

Điều này sẽ làm trầm trọng thêm nạn “đô la hóa” do yếu tố tâm lý-hành chính.

Buông xuôi bỏ mặc, buông lỏng quản lý nhà nước

Tuy nhiên, cũng sẽ là ngộ nhận nếu bỏ mặc tình trạng “đô la hóa” cho các giới đầu cơ trong nước và quốc tế mặc sức thao túng thị trường tài chính quốc gia. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bỏ mặc lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người dân, từ bỏ trách nhiệm và quyền lực, cũng như làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính-tiền tệ, làm giảm sự ổn định và lành mạnh của môi trường đầu tư.

Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng quốc gia và toàn cầu cho thấy, cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa và thích hợp với thực tế địa phương cả bàn tay thị trường với bàn tay nhà nước trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội, nhất là trong thị trường tài chính-tiền tệ.

Mê tín, sùng bái thái quá về giá trị ổn định của đồng USD

Sẽ là ngộ nhận khi cứ khư khư ôm giữ mù quáng, bám víu vào một đồng ngoại tệ dù mạnh nhất đương thời hay trong quá khứ. Lịch sử đã cho thấy mọi cái có phát sinh, phát triển và suy giảm. Sau khi chế độ bản vị vàng cáo chung thì mọi đồng tiền trên thế giới đều không ngừng mất giá. Đồng USD cũng không là ngoại lệ.

Bản thân đồng USD cũng mất giá nhanh chóng  vài chục phần trăm kể từ sau kết thúc chiến tranh lạnh đến nay do các khó khăn kinh tế-xã hội mà Hoa Kỳ phải đối diện, cũng như do bản thân sự chủ động lựa chọn chính sách đồng USD yếu như một lợi thế cạnh tranh quốc tế của nước này.

Đồng Euro cũng đang trong xu thế biến động mạnh, còn các đồng tiền của các nước khác cũng đang có những vẫn đề không dễ vượt qua tự bên trong …

Rõ ràng là, thay vì “đánh rắn khúc đuôi”, cấm đoán cực đoan hay buông xuôi quản lý…,  đã đến lúc cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay, hợp sức khắc phục tình trạng “đôla hóa” một cách có lợi, qua đó  giúp củng cố vị thế đồng nội tệ và sức mạnh tài chính – tiền tệ quốc gia cho cả vĩ mô, lẫn vi mô, cả trước mắt và lâu dài.

TS.Nguyễn Minh Phong

(Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội)


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Thủ tướng ban hành Điều lệ tổ chức, hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam


Biểu tượng và huy hiệu của VRG

Ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Theo đó, Nhà nước là chủ sở hữu đối với Tập đoàn. Chính phủ thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với Tập đoàn.

Ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và kinh doanh mủ cao su; trồng rừng và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gỗ (bao gồm cả gỗ nguyên liệu và gỗ thành phẩm); công nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghiệp cao su, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp cao su;…

VRG có vốn điều lệ tại thời điểm ngày 31/12/2009 là 18.574 tỷ đồng.

Hội đồng thành viên Tập đoàn có từ 5-7 thành viên. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên không quá 5 năm. Thành viên Hội đồng thành viên có thể được bổ nhiệm lại.

VRG có 4 đơn vị sự nghiệp gồm: Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam (RRIV); Tạp chí Cao su Việt Nam; Trung tâm Y tế Cao su; Trường Cao đẳng Công nghiệp cao su. VRG có 23 công ty TNHH một thành viên do Tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ; 21 công ty cổ phần do Tập đoàn giữ cổ phần, vốn góp chi phối; 36 công ty liên kết và công ty do Tập đoàn góp vốn liên doanh.

Hoàng Diên


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

VIETTEL hoàn thành Đề án hệ thống cảnh báo sóng thần trong tháng 5/2011


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu trong tháng 5/2011, Tập đoàn Viễn thông Quân đội hoàn thành Đề án hệ thống cảnh báo sóng thần để tổ chức diễn tập tại Đà Nẵng.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Hội nghị giao ban trực tuyến tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010, triển khai nhiệm vụ năm 2011 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Hội nghị giao ban trực tuyến tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010, triển khai nhiệm vụ năm 2011

Thời tiết, thủy văn tiếp tục phức tạp

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng lưu ý tới tính bất thường và cực đoan hơn của diễn biến thời tiết thời gian gần đây. Trong 3 tháng đầu năm 2011, có 3 đợt rét đậm, rét hại và không khí lạnh hoạt động với cường độ mạnh, liên tiếp. Đặc biệt, đợt gió mùa đông bắc giữa tháng 3 có cường độ mạnh hiếm thấy đã làm nhiệt độ trung bình giảm mạnh ở mức lịch sử trong chuỗi số liệu quan trắc được từ năm 1971.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước cho vụ Đông Xuân cũng diễn ra ở Bắc bộ, Tây Nguyên. Riêng khu vực Nam bộ, dòng chảy sông Mê Kông giảm mạnh, tương đương với một số mùa cạn nhất trước đây.

Theo nhiều nguồn dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới năm 2011 sẽ tương đương với mức trung bình nhiều năm (TBNN), tuy nhiên, nền nhiệt độ toàn mùa sẽ thấp hơn và lượng mưa sẽ cao hơn TBNN. Đỉnh lũ trên các con sông vì vậy có thể cao hơn mức TBNN.

Như vậy, mùa mưa bão năm 2011, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp, tiếp nối tính bất thường trong năm 2010. Tổng cộng trong năm 2010 đã xuất hiện 30 đợt không khí lạnh, 4 đợt rét đậm, 18 đợt nắng nóng gây hạn diện rộng.

Tại Hội nghị, các ý kiến đều bày tỏ những quan ngại về diễn biến thời tiết, thiên tai trong tương lai. Một số kiến nghị tập trung vào việc quan tâm đầu tư, chú ý hơn nữa với các giải pháp phòng chống các loại thiên tai thảm họa lớn tại Việt Nam.

Ưu tiên tối đa cho đê điều, hệ thống quan trắc…

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Đánh giá về công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và kết quả của các Bộ, ngành và địa phương. Thiên tai ngày càng diễn biến tiêu cực, nhưng thiệt hại đang ngày càng được hạn chế.

“Số người chết đã giảm nhiều so với mức trung bình nhiều năm, mỗi con thuyền, mỗi người mất tích được cập nhật liên tục, đầy đủ thông tin, thể hiện sự nỗ lực quyết liệt để hạn chế thiệt hại”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Bước sang năm 2011, từng cấp, từng ngành, các địa phương và đặc biệt là từng người dân cần quán triệt tinh thần chủ động và cảnh giác cao hơn trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

“Không còn cách nào khác là phải đương đầu, thích ứng với mức nỗ lực tối đa và coi tự lực cánh sinh là chính, kết hợp với các nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Hệ thống cảnh báo sóng thần gồm thiết bị ghi dữ liệu đặt dưới đáy biển (1), phao ghi nhận sự thay đổi của sóng biển (2). Tất cả các dữ liệu thu được sẽ truyền về trung tâm đặt trên đất liền thông qua vệ tinh (3) để các chuyên gia phân tích và đưa ra cảnh báo sóng thần. Ảnh: BBC

Tán thành với các giải pháp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được nêu bởi các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng lưu ý tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này, đặc biệt là việc dự báo, truyền thông thông tin.

Trong đầu tư, cần ưu tiên tối đa cho các công trình hệ thống đê điều, hồ chứa, trú đậu tàu thuyền, hệ thống quan trắc, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, các hạng mục đảm bảo “4 tại chỗ”. Đồng thời, việc đầu tư cần phù hợp với tình hình cụ thể từng địa phương, không đầu tư dàn trải.

Các địa phương sớm tổng kết, rút kinh nghiệm công tác 2010, kiện toàn tổ chức phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn theo yêu cầu Chiến lược phòng chống thiên tai đến năm 2020 cũng như Chương trình hành động ứng phó biến đổi khí hậu của Chính phủ.

Cảnh báo sóng thần

Trong tháng 5/2011, Tập đoàn Viễn thông Quân đội hoàn thành Đề án hệ thống cảnh báo sóng thần để tổ chức diễn tập tại Đà Nẵng. Bộ Xây dựng rà soát, cập nhật quản lý tiêu chuẩn, thiết kế các công trình về chống động đất.

Nguyên Linh


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Nguyễn Tấn Dũng-Thủ tướng tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng


Ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Hải An, Hải Phòng.

Thủ tướng đánh giá cao ý kiến tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước của cử tri.

Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri phát biểu ý kiến bày tỏ sự đồng tình, phấn khởi, đánh giá cao những kết quả và chất lượng của các kỳ họp vừa qua của Quốc hội khóa XII, đặc biệt là tinh thần làm việc ngày càng dân chủ, đổi mới và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), thể hiện qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

QH tiếp tục thể hiện bước đổi mới, cải tiến về nội dung, cách thức tiến hành, ngày càng nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước.

Theo ý kiến của một số cử tri, các kỳ họp QH vừa qua thật sự dân chủ; nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm đã được đưa ra thảo luận công khai. Công tác giám sát thực chất, mang lại kết quả cao hơn, thời gian tổ chức mỗi kỳ họp ngắn gọn và tiết kiệm.

Đại diện cử tri quận Hải An mong muốn QH khóa XIII tiếp tục phát huy những thành quả QH khóa XII đã đạt được; khắc phục các hạn chế, nâng cao chất lượng, nhất là năng lực thực tiễn của ĐBQH; nâng cao tỷ lệ ĐBQH chuyên trách; mở rộng các hoạt động giám sát, chất vấn của các Hội đồng, Ủy ban của QH.

cử tri tại Hải Phòng

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong công tác chỉ đạo điều hành kinh tế – xã hội đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cử tri huyện Hải An đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quan tâm hơn đến đời sống nhân dân, nhất là những người có thu nhập thấp trước áp lực lạm phát và giá cả tăng cao. Bên cạnh đó là việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước; quan tâm giúp Hải Phòng đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cảng biển Hải Phòng, cảng hàng không, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng…

Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn và đánh giá cao nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cử tri đối với công cuộc xây dựng đất nước nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, từ hoạt động tiếp xúc cử tri, QH sẽ tổng hợp được nhiều ý kiến đóng góp quý báu cả về những vấn đề bức xúc tại địa phương, cả những vấn đề lớn của cuộc sống, đề cập những vấn đề quan trọng của đất nước. Từ những vấn đề cử tri quan tâm nêu ra, các cấp, các ngành cần lắng nghe, tiếp thu, cùng bàn bạc và tháo gỡ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, hiện nay Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương đang nỗ lực trong chỉ đạo điều hành kinh tế – xã hội đất nước mà trọng tâm năm nay là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Chính phủ luôn coi trọng công tác cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính.

Thủ tướng đến thăm Khu kinh tế Việt Nam – Singapore.

Đối với Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành tích cực phối hợp với địa phương để xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống cảng biển Hải Phòng; xây dựng quy hoạch sân bay quốc tế Yên Lãng; nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường giao thông cấp bách, nhất là tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và sẽ sớm đưa tuyến đường quan trọng này vào hoạt động.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn, chính quyền và nhân dân TP Hải Phòng đoàn kết, chung sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra; quyết liệt triển khai công tác bình ổn giá, đẩy mạnh tiết kiệm điện, đồng thời tìm cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Khu kinh tế Việt Nam – Singapore.

Đông Bắc

 


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Thủy quân lục chiến Mỹ giúp Nhật trong khủng hoảng


Quân đội Mỹ hôm qua điều động một đơn vị thủy quân lục chiến chuyên xử lý các tình huống khẩn cấp về hạt nhân tới để trợ giúp Nhật giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay.

Một cô gái Nhật khóc trong cuộc biểu tình hôm qua, phản đối công ty điện lực Tokyo Tepco - đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Nhà máy này rò rỉ phóng xạ sau khi bị động đất và sóng thần tấn công ngày 11/3. Ảnh: AFP.

Khoảng 155 lính thủy quân lục chiến thuộc Lực lượng Phản ứng với các sự vụ sinh hóa học (CBIRF) dự kiến sẽ rời Mỹ vào hôm nay và có mặt ở Nhật vào thứ sáu, AFP dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.

Một cô gái Nhật khóc trong cuộc biểu tình hôm qua, phản đối công ty điện lực Tokyo Tepco – đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Nhà máy này rò rỉ phóng xạ sau khi bị động đất và sóng thần tấn công ngày 11/3. Ảnh: AFP.

Các binh sĩ này được đào tạo và huấn luyện để nhận dạng các chất hóa học, theo dõi mức độ phóng xạ và tẩy độc. Họ sẽ không tham gia vào chiến dịch bơm nước nhằm bình ổn nhiệt độ của các lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I vốn đang bị hư hại nghiêm trọng do bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần.

Hiện các quân nhân Mỹ ở Nhật phải đảm bảo được cách xa lò phản ứng bị hư hại 80 km, lớn hơn nhiều so với mức 20 km do chính phủ Nhật đưa ra.

Đơn vị đặc nhiệm CBIRF này \”sẽ giúp về mặt kiến thức cho vị chỉ huy công tác kiểm soát lò ở hiện trường, và nếu cần, sẽ giúp cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong các lĩnh vực như hậu cần. hóa học, sinh học, hạt nhân và phòng độc\”, quan chức Mỹ nói trên cho biết.

CBIRF được huấn luyện để đối phó với hậu quả của các sự cố sinh học, phóng xạ, hạt nhân hoặc nổ lớn, thường trợ giúp các cơ quan cấp địa phương, bang và liên bang Mỹ trong việc đối phó với các sự cố loại này.

Hôm 17/3, Đô đốc Robert Willard, người chỉ huy các nỗ lực hỗ trợ của quân đội Mỹ đối với Nhật Bản sau thiên tai, cho biết 450 chuyên gia phóng xạ và thảm họa của Mỹ đang sẵn sàng triển khai, trong khi các đội công nhân và kỹ sư của Nhật mải miết bơm nước làm lạnh các lò phản ứng ở Fukushima I.

Hiện 15.000 binh sĩ Mỹ đang tham gia suốt ngày đêm vào các chiến dịch cứu hộ ở Nhật, chiến dịch này mang tên Operation Tomodachi, tức \”bạn hữu\”.

Mỹ là đồng minh thân thiết và lâu dài với Nhật Bản, hiện có 47.000 binh sĩ đồn trú ở quốc đảo này.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hôm nay có chuyến thăm đến Nhật Bản nhằm bày tỏ tình đoàn kết với quốc gia vừa hứng chịu thảm họa thiên nhiên và đang trong khủng hoảng hạt nhân.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái) và Thủ tướng Nhật Naoto Kan. Ảnh: AFP.

Mai Trang

 


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Nguyễn Tấn Dũng-Thủ tướng quyết định hỗ trợ hơn 3.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp



(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Khánh thành cầu Hùng Vương đi cảng biển Vũng Rô


Sáng 31-3, Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên đã khánh thành cầu Hùng Vương bắc qua hạ lưu sông Ba, gần cửa biển Đà Rằng sau hơn 5 năm thi công với tổng kinh phí đầu tư 477 tỷ đồng.

Đây là cây cầu thứ tư bắc qua sông Ba, nối TP Tuy Hòa với khu kinh tế Nam Phú Yên gồm sân bay Tuy Hòa, khu công nghiệp Hòa Hiệp và cảng biển Vũng Rô.

 

Cầu Hùng Vương ngày khánh thành – Ảnh: Minh Ký

Cầu có tổng chiều dài hơn 2km, trong đó cầu chính dài gần 1,3km, rộng 18m với bốn làn xe chạy và hai lề bộ hành. Tổng mức đầu tư công trình là 477 tỉ đồng, trong đó giá trị xây lắp 380 tỉ đồng. Cầu được thi công hơn 5 năm. Cầu Hùng Vương là một cây cầu lớn nằm ở trung tâm thành phố Tuy Hòa, trên tuyến giao thông ven biển nối thành phố Tuy Hòa đi cảng Vũng Rô.

 

Cầu Hùng Vương trên bản vẽ thiết kế. (Nguồn: Internet)

Việc đưa cầu Hùng Vương vào khai thác và trong tương lai khi thông tuyến đến cảng Vũng Rô sẽ là động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng phía Nam tỉnh Phú Yên.

Đây là một trong những công trình kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng tỉnh Phú Yên (1/4/1975-1/4/2011); 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển gắn với Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ sẽ khai mạc vào ngày 1/4./.

DUY THANH


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Hải quân Indonesia và Việt Nam sẽ tiến hành tuần tra trên biển


 

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, sáng 30/3, Đoàn quân sự cấp cao Việt Nam do Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đã có cuộc gặp song phương với Tư lệnh Quân đội Quốc gia Indonesia (TNI), Đô đốc Agus Suhartono tại Tổng hành dinh TNI ở Cilangkap, nhân dịp đoàn tới Jakartar tham dự Hội nghị Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ tám (ACDFIM-8) từ ngày 29/3-2/4.

Tại cuộc gặp, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ đã điểm lại những bước phát triển ngày càng tốt đẹp trong quan hệ giữa quân đội hai nước, đồng thời bày tỏ nhất trí với đề xuất của Đô đốc Suhartono về việc sớm cụ thể hóa MoU, trong đó bao gồm việc tuần tra liên hợp trên biển, góp phần bảo đảm an ninh và ổn định tại vùng biển biên giới hai nước, khu vực và thế giới.

Trung tướng Đỗ Bá Tỵ đề nghị giao cho các cơ quan chức năng sớm tổ chức cuộc họp cấp chuyên viên để thực thi những nội dung mà bên đã bàn thảo và nhất trí.

Nhân dịp này, Tổng Tham mưu Trưởng, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ đã mời Tư lệnh TNI, Đô đốc Suhartono thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp, và Đô đốc Suhartono đã nhận lời

Phát biểu tại cuộc gặp, Đô đốc Suhartono đã chúc mừng Trung tướng Đỗ Bá Tỵ vừa được bổ nhiệm giữ cương vị Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và chào mừng đoàn quân sự cấp cao của ta tới dự hội nghị ACDFIM-8.

Đô đốc Suhartono đã đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị quốc phòng-quân sự trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, đồng thời nêu rõ các hội nghị quốc phòng-quân sự năm nay là sự tiếp nối của các hội nghị đã được tổ chức tại Việt Nam năm ngoái. Ông bày tỏ hy vọng sự tham gia của Việt Nam sẽ đóng góp quan trọng vào thành công của hội nghị ACDFIM-8. Nhân dịp này, hai bên đã chia sẻ quan điểm chung về tình hình an ninh khu vực và quốc tế.

Về quan hệ song phương, Đô đốc Suhartono đã ca ngợi tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam và Indonesia do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno dày công vun đắp và đang phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng-quân sự.

Ông Suhartono nhấn mạnh việc hai nước ký kết Bản Ghi nhớ (MoU) về tăng cường hợp tác giữa các quan chức quốc phòng và các hoạt động liên quan nhân dịp Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono thăm Việt Nam năm 2010 là sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa hai quân đội. Ông cũng nhắc lại rằng hai bên đã nhất trí tăng cường những nỗ lực nhằm đẩy nhanh việc “hiện thực hóa” những vấn đề đã nêu trong văn bản đó.

Ông Suhartono khẳng định một trong những ưu tiên đầu tiên của Indonesia là xúc tiến bàn thảo để hải quân hai nước có thể sớm tiến hành tuần tra liên hợp tại khu vực giáp ranh trên biển của hai nước. Bên cạnh đó, ông đề nghị tiếp tục trao đổi đoàn, tăng cường hợp tác trong đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin trong lĩnh vực quốc phòng-quân sự, coi đó như những biện pháp nhằm “hiện thực hóa” MoU. Ông đề nghị hai bên xúc tiến tổ chức ngay trong năm nay cuộc họp cấp chuyên viên để bàn các vấn đề cụ thể./.


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)