Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm?


Thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ cải thiện tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn liền với cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt nam, Bộ Y tế đã dự thảo Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 (Chiến lược).

Ảnh minh họa

Mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2015, các quy hoạch tổng thể về ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng được triển khai trên cơ sở hệ thống quản lý đủ mạnh, có hiệu lực, có tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta.

Đến năm 2020, về cơ bản, việc kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Triển khai 13 chương trình, dự án

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Bộ Y tế lên kế hoạch thực hiện Chiến lược qua 2 giai đoạn với việc triển khai 13 chương trình, dự án. Cụ thể như sau:

Một là, Chương trình Mục tiêu quốc gia an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011-2015. Chương trình này  bao gồm 5 dự án là: Dự án Nâng cao năng lực quản lý chất lượng vệ sinh ATTP; Dự án Thông tin giáo dục truyền thông bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP; Dự án Tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh ATTP; Dự án Phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; Dự án Bảo đảm vệ sinh ATTP trong sản xuất nông, lâm, thủy sản và Dự án Bảo đảm vệ sinh ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành công thương.

Hai là, Chương trình đào tạo chuyên ngành ATTP.

Ba là, Đề án kiểm soát ATTP và bảo vệ môi trường đối với hàng hóa thực phẩm nhập khẩu

Bốn là, Đề án xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm

Năm là, Đề án Đầu tư nâng cao năng lực cho hệ thống quản lý ATTP từ trung ương đến địa phương.

Các đề án tiếp theo là: Đề án nâng cao năng lực thanh tra chuyên ngành ATTP; Đề án phát triển nông, lâm sản thực phẩm đảm bảo ATTP; Đề án bảo đảm ATTP trong giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm; Đề án quy hoạch phát triển ngành thủy sản phục vụ tiêu dùng nội địa; Đề án phòng chống thực phẩm giả, thực phẩm có nguồn gốc nhập lậu và Đề án chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.

Chương trình thứ mười hai và mười ba của Chiến lược được giao cho UBND 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chủ trì. Đó là: Chương trình thí điểm quản lý dịch vụ ăn uống  tại  các quận, thị xã của thành phố Hà Nội (do UBND thành phố Hà Nội chủ trì) và Chương trình thí điểm  thực hiện phương án quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại thành phố Hồ Chí Minh (do UBND thành phố Hồ Chí Minh chủ trì).

Bảo đảm ATTP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

Trao đổi với PV Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ Y tế cho biết: Mặc dù đã có quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm ATTP, quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm nhưng việc tuân thủ các quy định này còn chưa nghiêm túc. Ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng còn chưa cao. Còn thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc khắc phục, xử lý hậu quả ngộ độc thực phẩm tập thể và truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể gây ra ngộ độc thực phẩm.

Bộ Y tế nhấn mạnh: Bảo đảm ATTP có tác động lớn tới sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế… Do đó, công tác này phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài của toàn xã hội.

Theo thống kê của Bộ Y tế: Từ năm 2004-2009 đã có 1.058 vụ ngộ độc thực phẩm, trung bình 176,3 vụ/năm.

Riêng trong năm 2010 (tính đến 20/12/2010), cả nước đã xảy ra 175 vụ ngộ độc (trong đó có 34 vụ ngộ độc trên 30 người) làm 5.664 người mắc và 42 trường hợp tử vong.

Đăng Trần


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét