Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

ĐBSCL thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP tập trung lĩnh vực nào?


Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang dồn sức cho sản xuất nông nghiệp và đào tạo nghề cho khu vực nông thôn nhằm tạo bước phát triển vững chắc cho toàn vùng.

Các tỉnh trong vùng đang cơ cấu lại nghề nuôi trồng thủy sản, tập trung tăng năng suất ở những vùng chuyên canh, chất lượng ổn định.

Đưa sản xuất nông nghiệp lên tầm cao mới

Hiện cả vùng đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông – xuân, năng suất đạt 6,5- 7 tấn/ha. Giá lúa trên địa bàn đang ở mức khoảng 5.600 đồng/kg (đối với lúa thường), lúa chất lượng cao giá gần 7.000 đồng/kg.

Lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL cho biết các tỉnh sẽ quay vòng gần 2 triệu ha đất lúa 2-3 vụ lúa/năm, đưa diện tích trồng lúa trong năm lên 3,8 triệu ha, trong đó có 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, phấn đấu đạt sản lượng 21-22 triệu tấn nhằm góp phần đáp xuất khẩu.

Giải pháp chính cho sản xuất lúa gạo là sử dụng giống mới, kháng sâu bệnh mạnh, thích nghi với từng vùng sinh thái, cho năng suất cao, chất lượng gạo ổn định. Đồng thời, sẽ mở rộng diện tích cánh đồng một giống tạo thuận lợi cho việc gieo sạ đồng loạt, khống chế dịch bệnh, cơ giới hóa đồng bộ; xây dựng thêm kho chứa nhằm nâng sức chứa của hệ thống kho chứa trong vùng lên khoảng 1 triệu tấn.

Hiện nay, Bộ NNPTNT đã cử các đoàn công tác làm việc trực tiếp với Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang về quy hoạch, kế hoạch sản xuất lúa thu – đông; chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc tiếp tục đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân. Đồng thời yêu cầu các địa phương tập trung thâm canh, tăng năng suất chất lượng các loại cây công nghiệp, rau quả để tận dụng cơ hội thuận lợi về thị trường và giá như hiện nay để tăng kim ngạch xuất khẩu.

Đối với sản xuất thủy sản, hiện các tỉnh trong vùng đang cơ cấu lại nghề nuôi, tập trung tăng năng suất ở những vùng chuyên canh, chất lượng ổn định. Theo kế hoạch, các tỉnh ĐBSCL sẽ đưa 6.000 – 6.300ha mặt nước vào nuôi cá tra, tăng 600 – 800ha, tập trung tại Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre và TP Cần Thơ.

Các địa phương sẽ không nuôi cá cao sản tràn lan mà chú trọng nuôi tại khu vực có diện tích rộng trên 10 ha nhằm tránh gây ô nhiễm nguồn nước sông rạch; đồng thời, liên kết chặt chẽ giữa người nuôi với nhà máy chế biến về hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Năm 2011, toàn vùng phấn đấu đạt sản lượng 1,3 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 600.000 – 650.000 tấn. Bộ NNPTNT sẽ nâng cấp 4 trung tâm sản xuất giống cá tra chất lượng cao, sạch bệnh thành các trung tâm giống cấp vùng tại 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre và TP Cần Thơ, đồng thời đầu tư lắp đặt cho mỗi địa phương trong 9 tỉnh, TP được quy hoạch nuôi cá tra một phòng thí nghiệm đầy đủ thiết bị.

Riêng Cà Mau đang triển khai quyết liệt đề án lúa tôm, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD mặt hàng tôm, duy trì và nâng cao diện tích sản xuất lúa.

Đào tạo nghề cho 150.000 lao động nông thôn

Theo ngành lao động các tỉnh ĐBSCL, trong năm 2011, toàn vùng sẽ tạo việc làm cho 150.000 lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng 25.000 người so năm 2010.

Để hoàn thành chỉ tiêu trên, các tỉnh tổ chức sàn giao dịch về việc làm đến cấp huyện, xã gắn với cung ứng lao động cho người sử dụng lao động trong, ngoài vùng ĐBSCL; mở rộng mạng lưới trung tâm giới thiệu việc làm, hệ thống cơ sở thông tin về thị trường lao động; hỗ trợ người dân kinh phí học nghề, tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi để người lao động vùng nông thôn, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có điều kiện đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài.

Các tỉnh xây dựng cơ sở vật chất, góp phần đưa số cơ sở dạy nghề toàn vùng lên 164 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề. Các doanh nghiệp và tổ chức trong vùng cũng tham gia dạy nghề. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hỗ trợ ĐBSCL đào tạo thêm hàng ngàn giáo viên dạy nghề; huy động đội ngũ kỹ sư, công nhân giỏi nghề thuộc các doanh nghiệp, làng nghề…, tham gia dạy nghề cho 50.000 lao động tại chỗ.

Các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, TP Cần Thơ, tận dụng nguồn vốn dạy do nghề nước ngoài tài trợ, nâng chất lượng dạy nghề như dự án giáo dục kỹ thuật dạy nghề vốn vay ADB đầu tư cho Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ, dự án vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc đầu tư cho Trường Cao đẳng nghề Việt – Hàn Cà Mau; dự án xóa đói giảm nghèo quốc gia đầu tư cho Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng và Trường Trung cấp nghề Trà Vinh.

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT còn tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành bám sát mục tiêu đề ra trong việc đảm bảo an sinh xã hội vùng nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện mức sống và điều kiện sống cho dân cư nông thôn. Năm nay, Bộ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn xuống 11%, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 86%…

Công Trí


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét