Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Con đường Tỷ phú trẻ làm giàu từ những quả đồi trơ trọc


Một góc khu khu rừng sinh thái của anh Hoàng

Từ những quả đồi trơ trọc, khô cằn, Lê Nguyễn Hoàng đã cải tại thành những khu rừng gỗ quý xanh tốt mang lại giá trị hàng tỷ đồng mỗi năm.

Chúng tôi tìm đến xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội, nơi Lê Nguyễn Hoàng đặt “đại bản doanh” để trồng và chăm sóc hơn 100 ha rừng gỗ quý, cây công trình.

Nuôi chí làm giàu trên vùng đất khó

Chàng trai 28 tuổi chia sẻ, ngày trước quê hương anh bạt ngàn màu xanh của những khu rừng. Thế rồi, những cánh rừng xanh tốt cứ thưa dần, những quả đồi hoang núi trọc lại mọc lên ngày càng nhiều do lâm tặc tàn phá. Nhìn những cánh rừng tươi tốt ngày nào dần biến mất, anh cảm thấy xót xa và trăn trở.

“Mình sinh ra ở vùng núi rừng nên rất yêu rừng. Bởi vậy, ngày từ khi còn nhỏ mình đã nuôi chí lập nghiệp trên rừng, biến những quả đồi cằn cỗi thành những  khu rừng xanh tốt, cho giá trị kinh tế cao”, anh Hoàng tâm sự.

Năm 2000, Hoàng mạnh dạn nhận hàng chục ha đất rừng; đồng thời anh còn vay thêm tiền ngân hàng và người thân để mua thêm hơn 40 ha đất rừng, quyết chí làm giàu từ những quả đồi toàn sỏi đá. Năm đó, Hoàng mới tuổi 17.

Thấy vậy, nhiều người trong làng bảo Hoàng có “vấn đề”, bởi không ít người dân đã phải lần lượt bỏ hoặc bán diện tích đất rừng mình đã nhận cho người khác vì ngán ngẩm vùng đất cằn cỗi này.

Hàng ngày, Hoàng vẫn đều đặn vác cuốc leo đồi cần mẫn đào từng hố đất, ươm từng mần xanh trên vùng đất khó.

Thời gian đầu, anh đầu tư gần 300 triệu đồng để trồng giống gỗ lát Mexico. Một năm sau, đất rừng đã không phụ công người, không chỉ có một cây, hai cây mà có đến hàng nghìn cây đã cắm rễ vào lòng đất, vươn lên xanh tốt.

Thế những niềm vui chưa trọn vẹn thì nỗi buồn ập đến, đúng lúc rừng gỗ lát Mexico đang phát triển mạnh thì bị mối ăn vỏ làm hàng nghìn cây  chết. Số vốn hàng trăm triệu đồng mà anh đầu tư coi như mất trắng.

Nhưng Hoàng không đầu hàng. Anh khăn gói một mình tìm đến những trang trại trồng rừng ở nhiều tỉnh, thành trên khắp đất nước để học hỏi kinh nghiệm, quyết tâm biến những quả đồi trơ trọc thành những khu rừng vàng.

Quyết tâm biến đối trọc thành rừng vàng

Anh Lê Nguyễn Hoàng

Không chỉ học hỏi ở các trang trại trong nước, Hoàng còn mạnh dạn đi học hỏi kiến thức, kỹ thuật làm kinh tế trang trại đồi rừng ở nước ngoài.

Năm 2008, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tổ chức cho thanh niên tiêu biểu các tỉnh đi tham quan mô hình trang trại ở Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc). Trong số các thành viên trong đoàn, anh là người trẻ tuổi nhất. Chuyến đi lần đó, anh đã thu nhận được nhiều kiến thức thiết thực về cách thức tổ chức sản xuất của các mô hình trang trại nước bạn.

Hoàng quyết định thay đổi cách làm ăn. Anh nhận thấy ở nhiều tỉnh, nhất là ở các thành phố lớn đang có nhu cầu cao về các loại cây dùng để trang trí trong các khu đô thị và các công viên nên anh chú trọng trồng các loại cây gỗ quý, cây công trình mang lại giá trị kinh tế cao như sao đen, kim giao, trầm hương…

Mỗi loại cây trồng, anh đều quy hoạch cho từng vùng riêng để thuận lợi cho việc chăm sóc và bảo vệ. Ban đầu, anh trồng với mật độ dầy, sau đó, tỉa cây bán dần, vừa tận dụng quỹ đất, vừa tạo nguồn thu trước mắt.

Tận dụng các khe núi, anh đào đắp thành hai hồ lớn, một mặt dùng để giữ nước phục vụ cho việc tưới cây, mặt khác dùng để thả cá.

Bên cạnh đó, anh còn tích cực đưa máy móc vào việc trồng rừng để tiết kiệm chi phí nhân công và giảm thời gian, công sức lao động. Kết hợp trồng rừng, anh còn chăn nuôi bò với quy mô lớn.

Hàng năm trời sớm tối vất vả trên vùng đất sỏi đá, đến nay, những quả đồi trơ trọc ngày nào đã được anh cải tạo thành những khu rừng xanh tốt và bắt đầu cho thu hoạch.

Tính cả phần đất Nhà nước giao, diện tích đất trao đổi và liên kết, anh có hơn 100 ha rừng đều được phủ màu xanh.

Năm 2010, chỉ tính riêng việc bán các loại cây công trình phục vụ trong các khu đô thị và các công viên, anh thu về hơn 1 tỷ đồng, chưa kể tiền thu từ hai hồ cá và chăn nuôi bò. Anh còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương.

Không chỉ vậy, anh còn tận tình giúp đỡ cho hàng trăm gia đình trong xã về mặt kỹ thuật trồng rừng và hỗ trợ cây giống.

Năm 2010, anh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng Lương Đình Của và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen.

Nhìn vào những khu rừng ngút ngàn màu xanh, chành trai giàu tâm huyết với núi rừng bộc bạch: “Mình đang hướng phát triển trang trại kinh tế rừng theo mô hình sinh thái kiểu mới, kết hợp trồng rừng với làm du lịch. Phải yêu rừng thì mới gắn bó được lâu dài với rừng”.

Nguyễn Thắng


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét