Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Doanh nghiệp ủng hộ xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do


Ông Đỗ Minh Phú trả lời phỏng vấn

Đối với  Tập đoàn DOJI nói riêng, dù  doanh thu hàng năm khoảng 20 ngàn  tỷ đồng, trong đó 80-85% đến từ kinh doanh vàng miếng, nhưng quan điểm của lãnh đạo DOJI vẫn ủng hộ  chủ trương tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.

Đó là ý kiến của ông Đỗ Minh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, trong cuộc trao đổi ý kiến với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 29/3.

Nghị quyết 11 của Chính phủ  có nhắc đến việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh vàng, ông có ý kiến gì ?

Theo tôi, Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát,  ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó nhấn mạnh giải pháp tiền tệ là hoàn toàn phù hợp và có sự đồng thuận cao trong xã hội.

Trong thời gian dài, hoạt động kinh doanh vàng miếng khá tự do, coi như đây là một hàng hóa thông thường, không có điều kiện, không có chế tài … Tuy nhiên, qua theo dõi các hoạt động giao dịch, chúng tôi thấy vàng miếng trên thực tế không phải là phương tiện thanh toán. Khi mua các tài sản giá trị lớn như mua nhà, ô tô. ..người dân chỉ dùng vàng miếng để quy đổi chứ không dùng vàng miếng làm phương tiện thanh toán, những giao dịch trực tiếp sử dụng vàng chỉ chiếm từ 5-10%.Tâm lý “tích cóp phòng cơ” của người Việt Nam và một số nước Châu Á hình thành  xu hướng giữ vàng, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao…

Trong thời gian tới, theo chủ trương của Chính phủ, chúng ta không xóa bỏ địa vị của vàng miếng mà chỉ đưa  việc kinh doanh vàng miếng vào hành lang pháp lý, kinh doanh có điều kiện.

Đối với  Tập đoàn DOJI nói riêng, dù  doanh thu hàng năm khoảng 20 ngàn  tỷ đồng,  trong đó 80-85% đến từ kinh doanh vàng miếng, việc thay đổi chính sách có thể làm giảm khoảng 50% doanh thu, nhưng quan điểm của lãnh đạo DOJI vẫn là ủng hộ  việc tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.

Ông có nhận xét gì về việc nhiều người dân đã chuyển sang tích trữ vàng dưới dạng vàng trang sức ?

Trong thời gian gần đây,  do giá vàng biến động liên tục, trong khi việc quản lý kinh doanh vàng miếng lại được kiểm soát chặt chẽ hơn, do vậy để đối phó, nhiều người đã tìm đến vàng trang sức nhằm tích trữ tài sản.

Cần biết rằng, vàng miếng sản xuất ra với quy chuẩn cao về hàm lượng trọng lượng, thuận tiện cất trữ, trong khi mua vàng trang sức, người dân sẽ có những bất lợi nhất định như phải trả số tiền cho chế tác, mẫu mã , tiền công, mua phải vàng thiếu tuổi…Do đó khi đầu tư vào vàng trang sức người dân nên thận trọng và sẽ phải chịu chi phí  cao hơn.

Vàng miếng

Có quan điểm cho rằng chỉ nên cho  giao dịch vàng miếng một chiều, người dân chỉ được bán chứ không được mua, ông có tán thành quan điểm này hay gợi ý kiến nghị gì?

Theo tôi người dân có nhu cầu tích trữ tài sản, phòng ngừa rủi ro nên tìm đến vàng, nhu cầu mua hay bán đều chính đáng.

Nếu quản lý bằng cách người dân chỉ được bán không được mua thì rất khó  thực hiện. Cần có những biện pháp vừa đảm bảo quản lý, vừa giảm bớt hiện tượng “vàng hóa” trong dân. Quan trọng nhất là tăng cường niềm tin vào đồng nội tệ, thì vai trò của vàng sẽ giảm dần đi.

Theo tôi, thứ nhất là quản lý chủ thể kinh doanh vàng rất quan trọng. Cần quy định những điều kiện cho đối tượng kinh doanh vàng nhưng không nên hạn chế vài doanh nghiệp, ngân hàng kinh doanh, cần có tiêu chí chặt chẽ về vốn, quy mô hoạt động, quá trình hoạt động và đóng thuế cho nhà nước.

Thực tế vàng nguyên liệu không lưu thông phổ biến trên thị trường, chủ yếu bằng vàng miếng thương phẩm 1 lượng, 5 chỉ, 1 chỉ … Do đó, việc quy định sản xuất vàng miếng cần được kiểm soát chặt chẽ, có hạn mức sản xuất, từ đó kiểm soát được nguồn cung vàng. Thời gian gần đây có sự tham gia của các Ngân hàng trong hoạt động kinh doanh vàng, do đó cũng cần lưu ý đến những chủ thể này.

Thứ hai là, cần có chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng hướng vào hoạt động sản xuất kinh doanh vàng trang sức phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Đây là mục tiêu lâu dài phát triển ngành công nghiệp nữ trang, thu hút lao động, tăng khả năng cạnh tranh quốc tế về trang sức, một lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng.

Hiện tại, trên thị trường nước ta  chỉ có kinh doanh vàng vật chất, sắp tới cần hướng tới và xây dựng các hoạt động kinh doanh vàng phi vật chất nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Quan trọng nhất là vẫn phải đảm bảo được việc sản xuất và kinh doanh vàng theo cơ chế thị trường, biến động nhịp nhàng theo cung cầu và giá vàng thế giới.

Huy Thắng


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét