Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Học viện Hải quân chuẩn hóa chương trình giảng dạy


Hơn nửa thế kỷ chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, Học viện Hải quân đã đào tạo hàng vạn cán bộ trình độ đại học và trên đại học cho Quân chủng Hải quân và các ngành kinh tế khác. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo sĩ quan, học viện không ngừng chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học…

Chuẩn Đô đốc, PGS, TS Phạm Hồng Thuận, Giám đốc học viện cho biết: Học viện thường xuyên chú trọng xây dựng, kiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo, bảo đảm chuẩn hóa cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, tổ chức; trước hết thực hiện nghiêm công tác quy hoạch và quy trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên bằng nhiều hình thức phù hợp.

 

Giờ thực hành của học viên Học viện Hải quân. Ảnh: Trọng Thiết.

Học viện lựa chọn cán bộ, giảng viên gửi đào tạo sau đại học ở một số trường trong và ngoài quân đội, ở nước ngoài; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, chuyên ngành; khuyến khích tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, năng lực sư phạm và kiến thức thực tiễn. Đảng ủy-Ban giám đốc và các phòng, khoa, ban… chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, tôn vinh nhà giáo.

Những năm qua, học viện chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao (tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, chuyên gia đầu ngành). Những năm trước, học viện có 68% cán bộ, giảng viên có trình độ đại học (trong đó 3,4% có trình độ trên đại học) thì nay 100% giảng viên có trình độ đại học, 50% trình độ trên đại học. Học viện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, đội ngũ giảng viên có trên 70% đạt trình độ sau đại học (trong đó từ 20 đến 30% trình độ tiến sĩ; 100% cán bộ chủ trì khoa giảng viên có học vị tiến sĩ; 100% trưởng bộ môn và thủ trưởng các phòng chức năng có trình độ sau đại học); ưu tiên đào tạo cán bộ đầu ngành về kỹ thuật đặc thù trong lĩnh vực hải quân, như vũ khí hải quân, tự động điều khiển, máy và điện tàu quân sự…

Chuẩn đô đốc Trịnh Đăng Khoa, Chính ủy học viện khẳng định: Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo sĩ quan hải quân trong tình hình mới, học viện xác định tập trung đổi mới nội dung, chương trình theo phương châm “Chuẩn hóa, hiện đại hóa, thiết thực”; đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học.

Việc chuẩn hóa của học viện sẽ bám sát chương trình chuẩn của Bộ; hiện đại hóa là giáo dục, huấn luyện cho học viên nắm bắt kịp các loại vũ khí trang bị hiện đại của quân chủng, nhất là trang bị, phương tiện mới; giới thiệu cho học viên chương trình hiện đại, thông tin hiện đại và công nghệ hiện đại; thiết thực nghĩa là phù hợp với trang bị hiện có, trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống, cách đánh, nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Những năm trước, việc dạy và học ở học viện còn nặng về ‘thầy nói, trò nghe”, nay học viện ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, giảng dạy chủ yếu theo hướng khuyến khích tư duy; trang bị cho học viên kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, dẫn dắt họ tự khái quát các kiến thức cơ bản. Học viên học theo phương pháp dạy mới của thầy, chứ không phải “học vẹt”, phải chủ động tự nghiên cứu, vận dụng phương pháp nêu vấn đề, hướng dẫn nghiên cứu, tổ chức thảo luận nhóm trong tổ chức giảng bài, thảo luận… nhằm phát huy tính tự giác, độc lập, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu của học viên, thực hiện “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”.

Hơn nửa thế kỷ qua, Học viện Hải quân là chiếc nôi đào tạo nên những sĩ quan trẻ có bản lĩnh, kiến thức, là lực lượng nòng cốt của Quân chủng Hải quân trong  thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Phan Tiến Dũng


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét