Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Các tỉnh, thành tổ chức hiệp thương lần 2


Ủy ban MTTQ nhiều tỉnh, thành phố vừa tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 thống nhất danh sách sơ bộ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Các đại biểu biểu quyết danh sách người ứng cử TP Đà Nẵng – Ảnh: Hồng Hạnh

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII thành phố Hà Nội, 100% đại biểu tham dự đã nhất trí giới thiệu 82 người vào danh sách sơ bộ bầu cử, trong đó có 11 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu; 41 ứng cử viên do các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố Hà Nội giới thiệu và giữ nguyên 30 người tự ứng cử.

Trong số 41 ứng cử viên do thành phố giới thiệu có 37 đảng viên và 15 nữ; tất cả đều có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 10 tiến sĩ và 13 thạc sĩ. Thành phần đại biểu tự ứng cử gồm có 6 tiến sĩ, 8 thạc sĩ, 10 cử nhân đại học và có 6 ứng cử viên trình độ học vấn phổ thông; có 13 doanh nhân và 5 ứng cử viên là nữ. Đại biểu tự ứng cử trẻ nhất là 30 tuổi, đại biểu lớn tuổi nhất là 78 tuổi.

Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số đơn vị bầu cử ĐBQH của thành phố Đà Nẵng là 2 đơn vị, số người được bầu là 6 đại biểu. Số người được giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội khoá XIII: 12 đại biểu, trong đó trung ương giới thiệu 2 đại biểu;thành phố giới thiệu 10 đại biểu.

Sau khi thảo luận, đánh giá, nhận xét,các đại biểu đã thống nhất lập danh sách sơ bộ về những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII là 10 người, trong đó, cơ cấu kết hợp nữ 4/10 người; tái cử 3/10; ngoài Đảng: 3/10 người; tuổi trẻ (dưới 40 tuổi): 1/10 người.

Qua biên bản, kết quả tín nhiệm của cử tri nơi công tác đối với 10 ứng cử viên: 9/10 ứng cử viên được tín nhiệm với số phiếu 100%; 1/10 ứng cử viên được tín nhiệm với số phiếu 87,5%.

Tại Trà Vinh, hội nghị thống nhất giới thiệu 11 người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII. Theo bước 2 quy trình hiệp thương, UBMTTQ tỉnh Trà Vinh đã tổ chức hội nghị hướng dẫn nội dung, thủ tục và trình tự giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội với cơ cấu là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, đại biểu chuyên trách của địa phương, đại biểu Mặt trận và theo cơ cấu hướng dẫn thuộc các lĩnh vực như giáo dục, văn hoá nghệ thuật, lao động – thương binh – xã hội, y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và thành phần khác.

Ngoài ra, cơ cấu kết hợp đại biểu dân tộc Khmer, đại biểu nữ, dự kiến cơ cấu từ 2 đơn vị trở lên, đại biểu ngoài Đảng 1 đơn vị, đại biểu trẻ tuổi 1 và khoảng 2 đại biểu tái cử.

Tỉnh Lào Cai thống nhất giới thiệu 15 người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Trong tổng số 15 người (chưa kể 2 đại biểu Trung ương giới thiệu) ra ứng cử, có 7 nữ, 9 dân tộc thiểu số, 1 người ngoài Đảng, 7 người trẻ tuổi và có 1 người tái cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Về trình độ học vấn của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII có 6 thạc sỹ, 9 đại học.

Tại Hội nghị hiệp thương lần 2, tỉnh Lai Châu đã thống nhất danh sách sơ bộ giới thiệu 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII, trong đó: 50% là nam, 50% là nữ; thuộc 4 cơ quan, huyện và 4 thành phần dân tộc (Mông, Thái, Hà Nhì, Si La)…

Danh sách sơ bộ dự kiến của tỉnh Lai Châu giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2011 – 2016, gồm 80 người, thuộc 19 cơ quan, đơn vị, huyện, thị xã và 13/20 thành phần dân tộc. Trong tổng số những người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh có 72,5% là người dân tộc thiểu số; 87,5% là đảng viên; 37,5% là nữ giới…

Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị thống nhất danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XII gồm 12 người; trong đó đại biểu nữ chiếm 33,33%; đại biểu người dân tộc Bru-Vân Kiều, đại biểu ngoài đảng chiếm và đại biểu tái cử đều 16,66%. Về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, 3 người có trình độ thạc sĩ và 9 người trình độ đại học và tương đương; 11/12 người được 100% cử tri nơi công tác tín nhiệm giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Theo phân bổ, tỉnh Quảng Trị được bầu 6 đại biểu Quốc hội, trong đó có 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu.

Hội nghị Hiệp thương lần 2 tỉnh Bắc Kạn thống nhất giới thiệu 11 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII (không có người tự ứng cử), tăng 1 người so với số lượng đã được biểu quyết tại Hội nghị hiệp thương lần 1.

100 % hồ sơ giới thiệu ứng cử đều đạt tín nhiệm của cử tri. Theo quy định, tỉnh Bắc Kạn có 2 đơn vị bầu cử và số đại biểu Quốc hội được bầu là 6, trong đó có 2 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu. Tại Hội nghị hiệp thương, các ý kiến đều thống nhất những người được giới thiệu ứng cử đều có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực công tác…

Căn cứ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái đã trình hội nghị Hiệp thương lần 2 về số lượng, cơ cấu, thành phần và danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác và cư trú tại tỉnh gồm 8 đại biểu; trong đó dân tộc Tày 3 người, dân tộc Dao 1 người và dân tộc kinh 4 người; trẻ tuổi 6 người, nữ 6 người. Hội nghị đã biểu quyết nhất trí với danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác và cư trú tại tỉnh Yên Bái.

Tỉnh Bắc Ninh có 11 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, trong đó 9 người được giới thiệu ra ứng cử, có 2 người tự ứng cử.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII theo đúng thành phần, cơ cấu, số lượng, thực hiện đúng quy trình giới thiệu người ra ứng cử. Các ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác của 9 người được giới thiệu ứng cử đều khẳng định các ứng cử viên có đủ tiêu chuẩn, trình độ, sức khỏe để tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội.

An Bình- Hồng Hạnh


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét