Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Làm thế nào khắc phục “đôla hóa” một cách hiệu quả?


Tuyên chiến với “vàng hóa, đô la hóa”

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ ban hành trong lĩnh vực tiền tệ, đã đến lúc cả các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người  dân cùng chung tay, hợp sức để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng “đôla hóa” một cách hiệu quả nhất.

Trong kinh tế thị trường và đời sống xã hội hiện đại luôn có nhiều cách hiểu sai (ngộ nhận) cả về nhận thức cũng như hành động liên quan đến cả quản lý nhà nước, cũng như trong hành xử hàng ngày của mỗi cộng đồng, tập thể, cơ quan, doanh nghiệp, gia đình, và  cá nhân…

Khi nạn “đô la hóa”, tức là dùng đồng đô la Mỹ (USD) làm phương tiện thanh toán phổ biến trong nhiều loại giao dịch trên thị trường tiền tệ như thời gian gần đây cũng không nằm ngoài trạng thái đó.

Có 4 dạng ngộ nhận điển hình chúng ta cần lưu ý để việc khắc phục tình trạng “đô la hóa” hiệu quả.

“Đánh rắn khúc đuôi”

Trước hết, cần thấy rằng “đô la hóa” là hệ quả tự nhiên và tất yếu của hội tụ các nhân tố, mà trước hết là sự mất giá của đồng nội tệ; sự giảm sút lòng tin vào chính sách tiền tệ; sự mất cân đối nghiêm trọng của cung-cầu ngoại tệ như là hệ quả của sự khan hiếm nguồn cung ngoại tệ chính thức và mặt trái của chính sách tỷ giá khiến làm tăng động cơ găm giữ và kỳ vọng tăng tỷ giá.

Ngoài ra, tâm lý này còn bị thúc đẩy bởi những hoạt động đầu cơ  trục lợi dựa trên chênh lệch giá chính thức và tự do, giá trong nước với giá nước ngoài…

Trong bối cảnh đó, việc định giá, giao dịch và cả thanh toán bằng USD hay vàng, cả chính thức hay không chính thức, sẽ trở nên mở rộng như một sự thay thế thuận lợi, an toàn  cho các giao dịch bằng đồng nội tệ đã bị giảm sút nghiêm trọng độ tín nhiệm. Hơn nữa, khi đó, cả người dân và doanh nghiệp cũng sẽ ưa chuộng việc nắm giữ các ngoại tệ hoặc vàng như là phản ứng tự nhiên, giải pháp tình thế để bảo tồn các giá trị tài chính chính đáng của mình, cả với tư cách cất giữ, cũng như phòng khi có việc cần dùng USD trong kinh doanh hoặc việc riêng.

Khi những nguyên nhân này bị che mờ, đánh giá thấp, hoặc vì lý do nào đó không được tính đến, sẽ dễ nẩy sinh sự ngộ nhận coi bản thân việc nắm giữ đôla đó như là nguyên nhân duy nhất và trực tiếp cần xử lý, mà không tập trung tháo gỡ tận gốc những nguyên nhân đích thực nêu trên.

Từ đó sẽ nảy sinh các cực đoan chính sách hành chính khác nhau với các hậu quả khó lường.

Hơn nữa, cần khẳng định rằng, trong bối cảnh toàn cầu và hội nhập hiện đại, xu hướng tăng dần tính chất chuyển đổi tự do nội tệ đang ngày càng gia tăng, cùng với xu hướng ưa chuộng tích trữ vàng cả ở các nước và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.

Quá kỳ vọng vào sức mạnh của biện pháp hành chính

Kinh nghiệm của thời kỳ cơ chế quản lý kinh tế kiểu hành chính quan liêu bao cấp và duy ý chí cho thấy nhiều bài học đắt giá về sử dụng những biện pháp hành chính trong quản lý kinh tế.

Những biện pháp cấm đoán hành chính cực đoan thường lợi bất cập hại, nhất là về lâu dài, vì thường đưa lại những hậu quả ngược với hiệu quả và kỳ vọng dù tốt đẹp nhất ban đầu.

Hơn nữa, việc cấm đoán thường dễ tạo ra những kẽ hở (do không thể có một bộ luật chi tiết nào đủ sức che chắn và bao quát hết các tình hưống và khả năng muôn hình vạn trạng của cuộc sống), mà việc vượt qua không mấy khó khăn, đồng thời mở rộng những cơ hội “vàng” và mảnh đất tốt làm bộc phát  các hành vi đầu cơ, trục lợi và lạm dụng từ sự độc quyền phi kinh tế…

Đặc biệt, các biện pháp hành chính thường không chỉ ngộ nhận về sức mạnh toàn năng của mình mà còn ít khi tính đến đầy đủ sự đáp ứng thuận lợi và tôn trọng những lợi ich hợp pháp của người dân và doanh nghiệp về nhu cầu tích trữ tài sản và thanh toán quốc tế bằng ngoại hối.

Điều này sẽ làm trầm trọng thêm nạn “đô la hóa” do yếu tố tâm lý-hành chính.

Buông xuôi bỏ mặc, buông lỏng quản lý nhà nước

Tuy nhiên, cũng sẽ là ngộ nhận nếu bỏ mặc tình trạng “đô la hóa” cho các giới đầu cơ trong nước và quốc tế mặc sức thao túng thị trường tài chính quốc gia. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bỏ mặc lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người dân, từ bỏ trách nhiệm và quyền lực, cũng như làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính-tiền tệ, làm giảm sự ổn định và lành mạnh của môi trường đầu tư.

Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng quốc gia và toàn cầu cho thấy, cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa và thích hợp với thực tế địa phương cả bàn tay thị trường với bàn tay nhà nước trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội, nhất là trong thị trường tài chính-tiền tệ.

Mê tín, sùng bái thái quá về giá trị ổn định của đồng USD

Sẽ là ngộ nhận khi cứ khư khư ôm giữ mù quáng, bám víu vào một đồng ngoại tệ dù mạnh nhất đương thời hay trong quá khứ. Lịch sử đã cho thấy mọi cái có phát sinh, phát triển và suy giảm. Sau khi chế độ bản vị vàng cáo chung thì mọi đồng tiền trên thế giới đều không ngừng mất giá. Đồng USD cũng không là ngoại lệ.

Bản thân đồng USD cũng mất giá nhanh chóng  vài chục phần trăm kể từ sau kết thúc chiến tranh lạnh đến nay do các khó khăn kinh tế-xã hội mà Hoa Kỳ phải đối diện, cũng như do bản thân sự chủ động lựa chọn chính sách đồng USD yếu như một lợi thế cạnh tranh quốc tế của nước này.

Đồng Euro cũng đang trong xu thế biến động mạnh, còn các đồng tiền của các nước khác cũng đang có những vẫn đề không dễ vượt qua tự bên trong …

Rõ ràng là, thay vì “đánh rắn khúc đuôi”, cấm đoán cực đoan hay buông xuôi quản lý…,  đã đến lúc cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay, hợp sức khắc phục tình trạng “đôla hóa” một cách có lợi, qua đó  giúp củng cố vị thế đồng nội tệ và sức mạnh tài chính – tiền tệ quốc gia cho cả vĩ mô, lẫn vi mô, cả trước mắt và lâu dài.

TS.Nguyễn Minh Phong

(Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội)


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét