Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra 10 giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế


Sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta được Chính phủ rất quan tâm mà cụ thể là 10 giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt tại Quyết định 1914/QĐ-TTg ngày 19/10/2010.

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ giá trị gia tăng cao

10 giải pháp được đưa ra là: 1- Ổn định kinh tế vĩ mô; 2- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; 3- Tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ; điều chỉnh chính sách đầu tư…; 4- Chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế, tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, tỷ trọng giá trị tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế và khai thác tài nguyên; 5- Phát triển vùng kinh tế, cụm công nghiệp, khu công nghiệp; 6- Nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; 7- Đẩy mạnh phát triển hệ thống doanh nghiệp; 8- Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường; 9- Đẩy mạnh phát triển các thị trường nhân tố sản xuất như lao động, công nghệ, vốn, đất đai…; 10- Đẩy mạnh cải cách hành chính, thể chế,  phân cấp, biên chế và tiền lương…

Quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt rõ tiến độ thực hiện từ nay đến tháng 12/2011 các công việc như: đến tháng 12/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Công Thương chủ trì phải hoàn thành việc chọn ra khoảng 10 ngành công nghiệp để chuyển đổi cơ cấu nhằm tăng năng lực cạnh tranh. Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước, hoàn tất đến tháng 10/2011.

Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện từ nay đến hết năm 2011 phải trình Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia trình Chính phủ vào tháng 12/2010.

Các mục tiêu định hướng cho giai đoạn 2011-2020:

- Tăng số lượng, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu; nâng dần thị phần tiêu thụ những sản phẩm này trên thị trường thế giới.

- Tăng số doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm có khả năng canh tranh trên thị trường thế giới.

- Tăng số doanh nghiệp, ngành có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao bằng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.

Chí Kiên


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tham nhũng xử lý chậm, kéo dài là khuyết điểm


Sáng 8.7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (BCĐ PCTN) đã họp phiên 13 để đánh giá công tác PCTN 6 tháng đầu năm và bàn phương hướng nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2010.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu về công tác PCTN.

Công tác PCTN có chuyển biến tích cực

Theo ông Vũ Tiến Chiến – Chánh Văn phòng BCĐ PCTN – thì 6 tháng đầu năm 2010, công tác PCTN tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, các cấp, các ngành có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện, triển khai đồng bộ  trên các mặt từ tuyên truyền, giáo dục, hoàn thiện thể chế đến triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng… Vì vậy, công tác PCTN tiếp tục có sự chuyển biến tích cực.

Theo báo cáo thì 5 tháng đầu năm, tình hình xử lý tham nhũng giảm cả về số vụ, số đối tượng. Số vụ được khởi tố 81/159 bị can (giảm 30% số vụ và 34% số bị can so với cùng kỳ năm 2008); truy tố 122 vụ/315 bị can (giảm 13% số vụ và 11% số bị can); xét xử 100 vụ/216 bị cáo (giảm 8% về số vụ và 24% số bị cáo).

Báo cáo của BCĐ PCTN cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác PCTN còn nhiều hạn chế, một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm, có vụ chưa tạo được sự đồng thuận trong đánh giá bản chất vụ việc… Công tác phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục. Cá biệt, nhiều tỉnh không phát hiện, khởi tố mới vụ án tham nhũng (các tỉnh Hưng Yên, Lào Cai, Bắc Cạn, Sóc Trăng, Hà Giang…).

Nhiều văn bản quan trọng phục vụ công tác phòng ngừa tham nhũng chậm được ban hành như Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Quy chế nhân dân giám sát tổ chức Đảng và đảng viên. Theo chiến lược PCTN đến năm 2020 thì năm 2009 có 14 đề án phải được thực hiện, nhưng đến nay mới hoàn thành 5 đề án, 9 đề án chưa hoàn thành, năm 2010 có 26 đề án phải thực hiện, nhưng đến nay mới 2 đề án hoàn thành…

Xử lý tham nhũng chậm là khuyết điểm

Theo Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Dương Thành Bắc thì việc xử lý các vụ việc tham nhũng cơ bản là chậm, theo thống kê thì tiến trình xử lý vụ nhanh nhất là 12 tháng và chậm kéo dài tới 50 tháng, tiến độ trung bình cũng khoảng 30 tháng.  Việc xử lý chậm này ảnh hưởng ghê gớm mà như BCĐ nhận định là “gây hoài nghi trong nhân dân”.

Theo Thượng tướng Lê Thế Tiệm – Thứ trưởng Bộ CA thì việc xử lý chậm có nguyên nhân quan trọng là chúng ta chưa có cơ quan giám định tư pháp trung ương nên quá trình điều tra, truy tố gặp nhiều khó khăn. Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Quốc Vượng thì việc nhiều tỉnh báo cáo không phát hiện tham nhũng là điều “ đáng phải suy nghĩ”.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương – bà Phạm Thị Hải Chuyền thì cho rằng, nhiều chế độ, chính sách chưa được điều chỉnh, phát sinh kẽ hở làm nảy sinh tham nhũng. Là cơ quan vừa tiến hành kiểm tra và ban hành những kết luận, kiến nghị về những vi phạm tại một số đơn vị, trong đó có tập đoàn Vinashin, bà Hải Chuyền cảnh báo những kẽ hở trong cơ chế quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn cũng như việc chuyển nhượng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp liên doanh.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan phân tích và làm rõ nguyên nhân vì sao một số lĩnh vực, công việc PCTN chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra, vì sao việc xử lý hành chính, hình sự với hành vi tham nhũng còn chậm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, BCĐ và các cơ quan chức năng phải nâng cao trách nhiệm, kiên trì, kiên quyết, đúng pháp luật trong đấu tranh chống tham nhũng, coi đây là công tác trọng tâm trong xây dựng Đảng và xây dựng bộ máy nhà nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì việc phối hợp không tốt, chậm trễ trong xử lý các vụ tham nhũng là một khuyết điểm. Liên quan đến vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về PCTN yêu cầu phối hợp điều tra, theo tinh thần rõ đến đâu xử đến đó. Về các vụ việc báo chí nước ngoài cáo buộc hối lộ liên quan đến việc in tiền polymer, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết về việc này cơ quan thanh tra đã kết luận, công an cũng đã vào cuộc nhưng không có chứng cứ.

Sau khi báo chí nước ngoài đăng tải, chúng ta đã 3 lần gửi công hàm cho nước bạn, nhưng đều được trả lời vụ việc đang điều tra, bao giờ có kết quả sẽ thông báo. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan thanh tra, kiểm toán phối hợp tốt với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng tiến hành thanh – kiểm tra tập trung vào 7 lĩnh vực được xác định là có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao là quản lý, sử dụng đất đai, thuế, hải quan, xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên khoáng sản; công tác tổ chức cán bộ, xử lý tố cáo và xử lý các vụ án về tham nhũng.

5 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được BCĐ quan tâm

* Vụ sai phạm trong quản lý đất đai Dự án KCN rác thải Long An – TP. Hồ Chí Minh(đã kết thúc thanh tra).

* Vụ Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam mua bán 3 triệu cổ phiếu của Cty cổ phần nhiệt điện Phả Lại (hiện C48 Bộ CA đang điều tra).

* Vụ việc theo đơn tố cáo những sai phạm tại TCty cổ phần Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco): Bộ Công Thương đang tiếp tục thanh tra làm rõ các sai phạm.

* Thông tin về việc Cty Securency hối lộ Cty CFTD của Việt Nam trong việc cung cấp chất nền in tiền polymer. Thủ tướng Chính phủ- Trưởng ban chỉ đạo TƯ về PCTN – đã có ý kiến chỉ đạo tại các văn bản số 524 – ngày 26.5.2009 và văn bản số 708 – ngày 21.6.2010.

* Thông tin Cty Nexus (Hoa Kỳ) hối lộ quan chức Việt Nam. Văn phòng BCĐ PCTN đã có 3 văn bản chỉ đạo…

* Vụ sai phạm trong quản lý đất đai Dự án KCN rác thải Long An – TP. Hồ Chí Minh(đã kết thúc thanh tra).

* Vụ Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam mua bán 3 triệu cổ phiếu của Cty cổ phần nhiệt điện Phả Lại (hiện C48 Bộ CA đang điều tra).

* Vụ việc theo đơn tố cáo những sai phạm tại TCty cổ phần Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco): Bộ Công Thương đang tiếp tục thanh tra làm rõ các sai phạm.

* Thông tin về việc Cty Securency hối lộ Cty CFTD của Việt Nam trong việc cung cấp chất nền in tiền polymer. Thủ tướng Chính phủ- Trưởng ban chỉ đạo TƯ về PCTN – đã có ý kiến chỉ đạo tại các văn bản số 524 – ngày 26.5.2009 và văn bản số 708 – ngày 21.6.2010.

* Thông tin Cty Nexus (Hoa Kỳ) hối lộ quan chức Việt Nam. Văn phòng BCĐ PCTN đã có 3 văn bản chỉ đạo…

Duy Thanh


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tham nhũng xử lý chậm do dâu?


- Tham nhũng 6 tháng đầu năm 2010, con số giảm không đồng nghĩa tình hình đã “êm” – phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo PCTN TƯ sáng 8/7 nhận định về kết quả, tồn tại hoạt động chống tham nhũng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “hứa” tạo mọi điều kiện giải quyết vướng mắc.

Không phát hiện tham nhũng mới, dư luận càng bức xúc

Phiên họp thứ 13 của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ sáng 8/7 có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quốc Vượng khái quát tình hình phát hiện, xử lý án tham nhũng thời gian qua. Theo đó, mới đây chỉ có vụ nhận hối lộ tại Ngân hàng Đầu tư & phát triển VN (BIDV) bị phát giác và vụ tiêu cực trong quá trình triển khai Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (112) được đưa ra xét xử. Các vụ việc khác đều nhỏ lẻ, tổng số vụ không nhiều.

Trước “tin vui” đó, nhiều đại biểu lại tỏ ra lo ngại khi tình hình phát hiện, xử lý tham nhũng chùng xuống thời gian qua. Khái quát, có hơn 10 tỉnh thành trong 6 tháng đầu năm 2010 không phát hiện hay khởi tố mới vụ án tham nhũng nào. Các cơ quan tố tụng toàn quốc mới khởi tố 81/159 bị can, truy tố 122 vụ/351 bị can và xét xử 100 vụ với 216 bị cáo. So sánh với các năm trước đây, con số này đã giảm đáng kể.

Nhiều ý kiến cảnh báo, con số giảm không đồng nghĩa với tình hình tham nhũng đã giảm. Qua thăm dò dư luận và tình hình người dân khiếu nại, tố cáo tại các địa phương, ngay cả những tỉnh thành báo cáo không có tham nhũng vẫn rất bức xúc.

Trước những ý kiến nghi ngại, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Vũ Tiến Chiến xác nhận: “Công tác tự phát hiện tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn rất yếu, chậm chuyển biến”.

Xử tham nhũng trung bình hết 30 tháng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong giờ nghỉ giữa phiên họp.

Một trong những hạn chế lớn nhất trong công tác PCTN được nhiều đại biểu phản ánh là việc xử lý án tham nhũng quá chậm. Phó Chánh văn phòng TƯ Đảng Dương Thành Bắc khái quát, từ khi phát hiện, điều tra cho tới xét xử một vụ tham nhũng nhanh nhất cũng phải mất 12 tháng, chậm nhất 50 tháng, tính trung bình là 30 tháng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lập tức truy “chậm do đâu?”. Thượng tướng Lê Thế Tiệm – Thứ trưởng Bộ Công an lý giải, một số vụ việc kéo dài nhiều năm và “đá đi đá lại” giữa các cơ quan tố tụng do quan điểm khác biệt. Nguyên nhân là do cơ chế phối hợp hoặc thiếu các công cụ để định tính định lượng vụ án.

“Hiện chúng ta chưa thành lập được trung tâm giám định quốc gia nên rất vướng trong việc giám định thiệt hại các vụ án tham nhũng lớn” - ông Tiệm dẫn chứng vụ án tiêu cực tại Công ty Xăng dầu hàng không khởi tố từ năm 2004 nhưng kéo dài đến nay vì có nhiều kết quả giám định khác nhau.

Viện trưởng VKSND tối cao bổ sung ví dụ, vụ mua bán 3 triệu cổ phiếu xảy ra tại Ngân hàng Công thương VN Vietinbank đến nay chưa thể đi đến chặng kết trong quá trình tố tụng cũng vì nhiều ý kiến khác nhau về mức độ thiệt hại.

Nghe “giải trình”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu hướng chỉ đạo, thời gian tới các cơ quan tố tụng cần phải tập trung phối hợp xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án còn tồn đọng, kéo dài.

“Đối với vụ án tham nhũng nghiêm trọng như đại lộ Đông Tây, 3 ngành tố tụng cần phải tập trung chỉ đạo sớm kết thúc điều tra đưa ra xét xử, làm rõ đến đâu thì xử lý đến đó, các vụ nổi cộm còn tồn đọng khác cũng phải theo tinh thần trên. Chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện, cơ chế để giải quyết vướng mắc” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường PCTN trong 7 lĩnh vực có nguy cơ cao như quản lý sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, thuế, tổ chức cán bộ… Thủ tướng lưu ý cần quy rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể để phục vụ công tác nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng ý tạo điều kiện về mặt kinh phí ngân sách để 3 ngành tố tụng có cơ chế thưởng, khuyến khích người phát hiện, cung cấp thông tin về tham nhũng.

2 – 3 người giám sát cả tập đoàn kinh tế

Lĩnh vực quản lý tại các tập đoàn, TCty nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Phạm Thị Hải Chuyền chỉ kẽ hở trong hoạt động giám sát, tạo điều kiện cho tham nhũng.

“Điều bất hợp lý là một công ty bình thường có 2 – 3 người giám sát nhưng cả tập đoàn kinh tế quản lý vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng cũng chỉ có chừng ấy người. Làm sao mà giám sát nổi?” - bà Chuyền băn khoăn.

Phó Chủ nhiệm UB kiếm tra TƯ đề nghị cần phải có một cơ chế giám sát đặc thù đối với các loại hình doanh nghiệp này.

Cũng theo đánh giá của bà Chuyền, thời gian qua việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn rất hạn chế và chưa nghiêm. Việc xử lý theo kiến nghị của cơ quan thanh tra hoặc kiểm toán nhà nước còn bị xem nhẹ.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hoàng Hồng Lạc dẫn chứng, trong hai năm đã chuyển cơ quan chức năng 3 – 4 vụ có dấu hiệu sai phạm tham nhũng, nhưng việc xử lý đến đâu thì Kiểm toán nhà nước cũng không được rõ.

Ban chỉ đạo PCTN TƯ đang theo dõi chỉ đạo 11 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp gồm: vụ đưa và nhận hối lộ tại dự án đại lộ Đông Tây, vụ nhận hối lộ tại ngân hàng BIDV, vụ tượng đài chiến thắng Điện Biên…

Ban chỉ đạo cũng đang quan tâm theo dõi 5 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng khác: vụ sai phạm trong quản lý đất đai tại dự án khu công nghiệp rác thải TPHCM – Long An; vụ mua bán 3 triệu cổ phiếu của ngân hàng Công thương VN Vietinbank; vụ tố cáo tham nhũng tại Tổng công ty cổ phần bia – nước giải khát Sài Gòn Sabeco; vụ công ty Securency hối lộ công ty CFTD của VN trong việc cung cấp chất in nền tiền polymer; vụ công ty Mỹ hối lộ quan chức VN.



P.Thảo


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)