Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Đại biểu Quốc hội dám chống tham nhũng


Quá trình chuẩn bị cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã đi được 2/3 chặng đường. Danh sách chính thức các ứng cử viên cũng đã được công bố để cử tri biết về những người mình sẽ lựa chọn thay mặt mình tham gia gánh vác trọng trách của quốc gia, dân tộc. Không trừu tượng, chung chung, người dân xác định rất cụ thể những tiêu chuẩn cần phải có nơi người sẽ là đại biểu của mình.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Luật Bầu cử đại biểu HĐND đều quy định những tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân. Chẳng hạn, phải trung thành với tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, có điều kiện tham gia các hoạt động của cơ quan dân cử… Vậy trong tâm tư người dân, những tiêu chuẩn chung chung này được cụ thể hóa ra sao đối với những người sẽ là đại biểu nhân dân?

Trong sạch, dám chống tham nhũng

Đã từng một thời gian dài nghiên cứu về công tác dân vận, nắm bắt được tâm tư của người dân, bà Huỳnh Thiện Kim Tuyến (nguyên cán bộ Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM), cho biết: “Điều người dân mong muốn nhiều nhất và thường xuyên nhất đối với đại biểu của mình là họ phải dám mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực một cách có hiệu quả”.

Xem xét, thông qua danh sách các ứng cử viên đại biểu HĐND TP trong hội nghị hiệp thương lần 3 tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Quả thật thế, khi chúng tôi hỏi ông Nguyễn Quý Cả (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) về tiêu chuẩn trước nhất đối với ứng cử viên, ông nói ngay: “Đó phải là những người dám trực diện đấu tranh chống tham nhũng với các cấp chính quyền. Họ phải chịu hy sinh quyền lợi cá nhân để đấu tranh cho quyền lợi của xã hội. Còn ai mà không dám đấu tranh chống tiêu cực, gió chiều nào che chiều ấy thì chỉ là những người cơ hội. Bầu họ làm đại biểu sẽ không mang lại quyền lợi gì cho dân”.

Cử tri Nguyễn Trúc Quỳnh (quận 3), người có nhiều năm tham gia các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP, cho rằng muốn chống tham nhũng, tiêu cực thì trước hết ứng cử viên phải trong sạch với chính mình. Sự trong sạch ấy thể hiện ngay từ sự trung thực khi kê khai tài sản và đối chất công khai nguồn gốc tài sản. “Mặt khác, các ứng viên khi ra ứng cử làm đại biểu còn phải chú ý tới gia đình, xem gia đình mình có ai làm việc gì phi pháp không. Bởi lẽ, hiện tượng “sân sau” là điều mà cử tri hiện nay rất quan tâm” – ông Quỳnh nói.

Gần dân, theo tới cùng kiến nghị của dân

Cử tri Nguyễn Trúc Quỳnh cho rằng muốn làm ĐBQH thì phải có đức, có tài. Nhưng cái đức, cái tài đó không phải nói chung chung mà phải được cụ thể hóa. “Đức chính là tinh thần trách nhiệm với dân. Người đại biểu của dân thì phải dám nói, dám làm và chịu trách nhiệm trước dân về hoạt động của mình. Đồng thời phải luôn gần dân, nhất là giới trí thức, chuyên gia để lắng nghe suy nghĩ của họ; gần công nhân, nông dân để thấu hiểu được khó khăn của họ. Có như thế mới nắm được thông tin đa chiều mà chất vất, tham gia vào quá trình ra chính sách cho thấu đáo, sát thực tế. Đây cũng là một tiêu chí để người dân lựa chọn” – ông Quỳnh phân tích.

Theo ông Phạm Đình Toàn, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, thực tiễn có những ứng viên khi tiếp xúc với cử tri trước bầu cử thì nói, hứa rất nhiều điều. Nhưng rồi cả nhiệm kì chỉ đến gặp dân trong mấy lần tiếp xúc định kỳ. Người dân không thấy bóng dáng của đại biểu đâu hết, mà muốn gặp cũng không dễ dàng gì. Bà Huỳnh Thiện Kim Tuyến bổ sung: “Ứng cử viên cần thấy rằng mình chính là dân, là người được nhân dân hun đúc lên và mang đầy đủ ý chí, nguyện vọng của họ. Đừng có cái kiểu sau khi trúng cử thì lại trở thành hoặc trở về một ông quan, thoát ly khỏi dân. Họ phải bám thật sát vào đời sống của dân. Nhận được yêu cầu, nguyện vọng của dân thì không phải chỉ làm việc ký chuyển mà hãy theo đến cùng các sự việc ấy, đừng có “đầu voi đuôi chuột”.

Có dũng khí, lấy lợi ích dân tộc làm trọng

Người dân nhắc nhiều đến các ĐBQH nhiệm kỳ qua mà theo họ, các vị này thể hiện được bản lĩnh và cái tâm của người đại biểu nhân dân: Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Nguyễn Lân Dũng (Dăk Lăk), Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Ngô Minh Hồng, Trần Du Lịch (TP.HCM)… Ở HĐND TP.HCM, người dân cũng nhắc nhiều đến các đại biểu như Đặng Văn Khoa, Nguyễn Đăng Nghĩa, Trương Trọng Nghĩa,…

“Tôi tâm đắc với những đại biểu dám nói thẳng như ông Nguyễn Minh Thuyết, ông Nguyễn Lân Dũng… Tiếng nói của họ ở nghị trường đều là những phát biểu có trọng lượng. Bởi vì ông ấy nói không chỉ cho gần 500 ĐBQH nghe mà còn mang cả nỗi lòng với cử tri cả nước. Hay như ở HĐND TP, những vấn đề mà ông Đặng Văn Khoa phát biểu đều có chứng minh bằng thực tế: từ những mẫu nước, hình này, ảnh kia, ông ấy xuống tận dân để nghe, để thu thập tâm tư. Tôi nghĩ những đại biểu như thế cần phải được nhân lên nhiều nhiều nữa trong kỳ bầu cử lần này. Đó cũng là điều tôi mong mỏi ở các ứng viên”. Cử tri Nguyễn Quý Cả (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) chia sẻ:

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh “Đức, tài là phải có rồi. Nhưng dũng khí cũng là một tiêu chuẩn quan trọng” – . Ông Lê Hiếu Đằng phân tích: “Nếu có đức, có tài mà không có dũng khí để nói, để đấu tranh, để bảo vệ điều chính đáng thì đức, tài ấy chưa trọn vẹn. Người đại biểu lấy lợi ích quốc gia làm đầu, không màng quyền lợi riêng tư thì sẽ không ngán ngại điều gì hết. Thực tế hoạt động của các ĐBQH khóa XII đã chứng minh, khi vấn đề đưa ra là vì lợi ích tối thượng của quốc gia thì sẽ nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân và Đảng sẵn sàng lắng nghe, điều chỉnh. Điều này cần phải phát huy hơn nữa”.

PV


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét