Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Ghi chép về chuyến thăm 3 nước châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại cởi mở, nguyện là bạn với các nước trên hành tinh, mùa thu này, người đứng đầu cơ quan hành pháp nước ta – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ đến thăm ba nước: Vương quốc Hà Lan, Cộng hòa Uzbekistan và Ucraina.

Cũng như nhiều quốc gia khác, đây là ba nước bạn bè truyền thống đã tích cực ủng hộ nhân dân ta trong cuộc kháng chiến gian khổ giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, vượt qua những khoảng cách xa xôi về địa lý, những người bạn ở Hà Lan, Ucraina và Uzbekistan lại tiếp tục cùng Việt Nam viết tiếp trang sử mới của mối tình hữu nghị, hợp tác và phát triển trên nhiều lĩnh vực vì hòa bình, hạnh phúc của mỗi dân tộc. Do vậy, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dung đến 3 quốc gia này là sự tiếp nối, tô thắm thêm quan hệ của Việt Nam với các nước mà đoàn đến thăm.

Hà Lan – quả cảm và tự tin

Đó không phải là cảm nhận của riêng tôi mà của nhiều người đã từng đặt chân đến xứ sở của loài hoa tuylíp và những chiếc cối xay gió. Giờ đây, nói đến Vương quốc Hà Lan, dân nghiền bóng đá Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều nghĩ ngay đến đội bóng màu da cam với lối chơi tổng lực và vừa giành giải Á quân mùa Worldcup 2010 tại Nam Phi. Hà Lan còn được cả thế giới biết đến với những công trình đê biển xuyên thế kỷ; biểu tượng của lòng quả cảm và ý chí kiên cường của biết bao thế hệ, người dân nơi đây. Trong lịch sử ở quốc gia này đã từng xảy ra nhiều trận lụt khủng khiếp cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng và cuốn trôi biết bao tài sản và nhiều vùng đất. Nhưng rồi với bản lĩnh của một dân tộc luôn phải đấu tranh với sự khắc nghiệt của thiên nhiên để tồn tại và phát triển đã tạo nên cho người Hà Lan lòng quả cảm không gì lay chuyển nổi là bằng mọi giá để chế ngự sự tàn phá của các trận bão lũ qua việc xây dựng các công trình đê biển.

Có lẽ vì thế mà từ lâu, người Hà Lan đã nổi tiếng với câu nói: “Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan”. Đấy thực sự là niềm tự hào lớn lao trong cuộc chiến chống giặc trời qua hệ thống đê biển kỳ vĩ, xây dựng đất nước Hà Lan trở thành một quốc gia hiện đại, phát triển và có mức thu nhập theo đầu người hạng cao nhất thế giới.

Thành phố Amsterdam nổi tiếng với hệ thống kênh rạch.

Thành phố Amsterdam nổi tiếng với hệ thống kênh rạch.

Là một quốc gia với dân số 16,5 triệu người, nhưng thật ngạc nhiên khi nhìn vào chỉ số GDP của quốc gia này lại ở con số: 658 tỷ USD; theo đó GDP tính theo đầu người vào loại cao nhất thế giới: 39.938 USD/người. Quốc gia này còn được biết đến bởi những thương hiệu sản phẩm và những tập đoàn kinh tế nổi tiếng thế giới như bia Han-ni-ken; hàng điện tử mang thương hiệu Phi-lip, hải cảng lớn nhất châu Âu Rotterdam v.v…

Chưa hết, vương quốc này còn là một trong những quốc gia cung cấp viện trợ ODA hàng đầu thế giới, chiếm tỷ lệ 0,8% GDP hàng năm, tương đương với khoảng 5 tỷ USD. Chính sách ODA của Hà Lan chủ yếu giúp đỡ cho những nước chậm phát triển nhất ở các khu vực châu Phi, Nam Á, Mỹ Latinh và tập trung vào các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, quản lý nước, thủy lợi, giáo dục… Chính phủ Hà Lan coi viện trợ ODA là công cụ của chính sách đối ngoại nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp; duy trì và phát triển các mối quan hệ với các nước.

Với Việt Nam, sử sách còn ghi nhận ngay từ năm 1602, có một công ty mang tên Đông Ấn của Hà Lan đã đến Việt Nam để mua gạo, lụa, sành, sứ…. mở đầu cho quan hệ hai nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều người dân Hà Lan đã xuống đường giương cao biểu ngữ phản đối cuộc chiến tranh xâm lược, lập Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam để giúp đỡ nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập – tự do. Hai nước đã thiết lập ngoại giao vào đầu tháng 4/1973. Sau sự kiện ấy, mối quan hệ giữa nước ta và Hà Lan ngày càng phát triển trên hầu khắp các lĩnh vực. Hơn 10 năm trở lại đây, nhiều đoàn cấp cao của Việt Nam cũng đến thăm Hà Lan và ngược lại, nhiều đoàn cấp cao của Hà Lan đến thăm Việt Nam. Ngoài ra hai bên còn thường xuyên tiếp xúc cấp cao bên lề các diễn đàn quốc tế lớn như Hội nghị biến đổi khí hậu Copen Hagen; G20 tại Canada; ASEM-8 tại Bỉ v.v…

Quan hệ thương mại Việt Nam – Hà Lan cũng không ngừng phát triển và đều tăng theo hàng năm. Theo đó, Hà Lan là một thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam ở châu Âu sau Đức, Anh và Pháp. Cùng với sự gia tăng về quan hệ thương mại; Hà Lan cũng là một trong số những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất của Việt Nam với 153 dự án đầu tư, số vốn đăng ký lên đến 5,6 tỷ USD. Một số dự án đầu tư trọng điểm của Hà Lan tại Việt Nam phải kể đến là Nhà máy Điện Mông Dương với số vốn đầu tư 2,1 tỷ USD; Nhà máy Điện Phú Mỹ 3 trị giá 410 triệu USD v.v… Về lĩnh vực hợp tác giáo dục – đào tạo, Hà Lan là một quốc gia đã giúp Việt Nam nhiều dự án như chương trình hợp tác liên đại học; chương trình cấp học bổng hàng năm… Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam đã thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác Hà Lan để đưa sinh viên Việt Nam sang học tập tại Hà Lan. Chia sẻ với Việt Nam – một trong những nước bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu, Hà Lan đã và đang chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam để ngăn chặn những hậu họa do biến đổi khí hậu gây ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende

Tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị ASEM-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho sự hợp tác của hai nước về lĩnh vực này. Còn tại buổi tiếp Thái tử và Công nương Hà Lan sang thăm Việt Nam cách đây ít lâu, Thủ tướng cũng khẳng định quan hệ Việt Nam – Hà Lan đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, nhất là thương mại, đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nước, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác chưa được khai thác. Do vậy Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Hà Lan trên các lĩnh vực hàng hải, đóng tàu, an toàn thực phẩm, khai thác dầu khí, ngân hàng… Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hà Lan mở rộng các hoạt động làm ăn tại Việt Nam. Chuyến thăm chính thức của người đứng đầu cơ quan hành pháp nước ta lần này chắc chắn sẽ mở ra một trang mới trong các mối quan hệ giữa Việt Nam và Vương quốc Hà Lan.

Ucraina – xa mà gần

Ucraina là một địa chỉ mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũngvà phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ ta đến thăm trong những ngày đầu tháng 10-2011. Việt Nam – Ucraina có truyền thống lâu đời, từ thời Liên bang Xô viết. Trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ, người Việt Nam đã biết đến những người bạn Ucraina không quản hy sinh gian khổ đã có mặt tại Việt Nam để giúp quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Họ là những chuyên gia quân sự và nhiều lĩnh vực khác. Sau ngày Ucraina tuyên bố độc lập (ngày 24/8/1991), Việt Nam và Ucraina đã thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ giữa hai nước. Từ đó đến nay, quan hệ hai nước đã phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ đô Kiev hoa lệ của Ucraina

Thủ đô Kiev hoa lệ của Ucraina

Tuy hai nước không gần nhau về địa lý, cả hai nước không nằm trong vị trí ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nhau nhưng tiềm năng và lợi thế trong phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước lại rất lớn. Ucraina là nước lớn nằm ở trung tâm Đông Âu, nơi giao nhau của những tuyến đường giao thương giữa châu Âu và châu Á; một quốc gia rất giàu tài nguyên với hơn 2/3 diện tích là vùng đất đen màu mỡ, chiếm trữ lượng đất đen và sở hữu 5% trữ lượng khoáng sản của thế giới và chiếm vị trí hàng đầu châu Âu và thế giới về số lượng các mỏ quặng phi khoáng. Còn Việt Nam là nước có vị trí địa chính rất quan trọng ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Cả Ucraina và Việt Nam đều là những thị trường lớn đang nổi, có sức mua lớn và nhu cầu đa dạng. Hai nước đều được đánh giá là những thị trường tiềm năng trên thế giới bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao những năm gần đây.

Với việc thúc đẩy tự do hóa và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp hai nước có rất nhiều cơ hội trong việc xâm nhập và khuếch trương ảnh hưởng tại thị trường của nhau. Có thể nói hai nước khá hiểu nhau trên nhiều lĩnh vực, nhiều người Việt Nam có những tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân Liên Xô nói chung và Ucraina nói riêng. Cộng đồng người Việt có khoảng 10.000 người đang sinh sống làm ăn ở Ucraina, chỉ đứng sau cộng đồng người Việt ở Nga. Người Việt Nam ở Ucraina phần lớn là những lưu học sinh, những người lao động được cử sang học tập và làm việc dưới thời Liên Xô đã ở lại và một số bộ phận mới sang. Đây là cầu nối giúp quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh hơn.

Trong bối cảnh quốc tế mới, với chính sách tăng cường thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để thúc đẩy quan hệ và hợp tác toàn diện giữa hai nước trong tương lai. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Ucraina Viktor Yanukovich từ ngày 25 đến 27/3/2011 vừa qua và chuyến thăm chính thức của Thủ tướng nước ta lần này chắc chắn đánh dấu giai đoạn mới cho sự phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Uzbekistan giàu tiềm năng

Cũng như Ucraina, Uzbekistan nguyên là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết và là một địa danh mà Thủ tướng nước ta sẽ tới thăm. Đây là một quốc gia chứa đựng nhiều tiềm năng trong quan hệ của hai nước nhưng chưa được khai thác. Sau khi hệ thống XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, Uzbekistan đã tuyên bố độc lập. Những năm đầu ra ở riêng, chính phủ Uzbekistan tiếp tục duy trì nền kinh tế bao cấp; tỷ lệ người nghèo và thất nghiệp còn khá cao; đặc biệt là các vùng nông thôn. Nhưng từ năm 2000 trở lại đây, cũng như sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam, nhờ thay đổi phương thức quản lý kinh tế, GDP ở quốc gia này tăng trưởng khá cao (khoảng 8%), chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất hàng tiêu dùng.

Là một quốc gia có tiềm năng lớn về các mặt, Uzbekistan đã vươn lên và trở thành nước thứ tư thế giới về sản xuất bông và đứng thứ bảy về sản xuất vàng và nhiều loại khoáng sản khác, đặc biệt là lĩnh vực khai thác, chế biến dầu mỏ. Tuy nhiên, do những khó khăn về việc chuyển đổi tiền tệ đã hạn chế các công ty nước ngoài đầu tư vào quốc gia này. Mặc dù vậy, quan hệ giữa Việt Nam và Uzbekistan vẫn không ngừng phát triển. Trong những năm qua, hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn ở các cấp. Đặc biệt từ năm 2009, Tập đoàn Dầu khí quốc gia nước ta đã thiết lập quan hệ hợp tác với Công ty Dầu khí quốc gia Uzbekistan để thăm dò và khai thác dầu khí. Hai nước đã ký nhiều văn kiện hợp tác, trong số đó có Hiệp định về hợp tác phòng chống khủng bố, tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia và các loại tội phạm khác. Tin rằng, cùng với thời gian, những tiềm năng to lớn cũng như sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Uzbekistan sẽ ngày một phát triển bền chặt vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân hai nước.

L.V (Theo CAND)


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét