Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Bộ Công Thương: minh bạch thị trường ô tô để phục vụ người tiêu dùng và an toàn giao thông


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định như vậy  trước phản ánh của nhiều doanh nghiệp chưa ủng hộ Thông tư số 20/2011-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 12/5/2011. Bộ Công Thương cho biết việc ban hành Thông tư số 20/2011 nhằm minh bạch hàng hóa ô tô trên thị trường và tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng, cũng như góp phần bảo đảm an toàn giao thông.

Theo Thông tư 20, các đại lý ô tô phải có giấy ủy quyền của chính hãng mới được tham gia thị trường phân phối sản phẩm. – Ảnh minh họa

Theo Thông tư này, thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải nộp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.

Quy định này đã khiến không ít nhà nhập khẩu ô tô lo lắng và cho rằng sẽ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu phá sản.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, truy xuất nguồn gốc hàng hóa là yêu cầu không phải chỉ có Việt Nam đặt ra, từ trước đến nay nhiều thị trường lớn cũng đặt ra yêu cầu rất khắt khe đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đơn cử như sản phẩm gỗ, Việt Nam phải có giấy chứng nhận đồ gỗ của các nhà xuất khẩu, nguyên liệu gỗ khai thác từ nguồn rừng nào. Khi chúng ta xuất khẩu thủy sản vào EU cũng phải chứng minh nguồn gốc thủy sản đánh bắt vùng biển nào, tàu nào…

Do việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa thời gian qua chưa được thực hiện triệt để, ông Nguyễn Thành Biên cho biết đa số ô tô nhập khẩu không ai đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành bảo dưỡng. Ví như khi sự cố xe Toyota bị lỗi chân ga, ở nước ngoài thu hồi hàng triệu xe, còn ở Việt Nam các nhà nhập khẩu không có điều kiện sửa chữa xe đó, khiến quyền lợi của  người tiêu dùng không được  bảo đảm.

Do vậy, việc ban hành Thông tư 20 nhằm làm lành mạnh thị trường, doanh nghiệp kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật, điều này cũng đã thể hiện rõ trong điều 21 Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Trước lo ngại việc quy định của thông tư 20 khiến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ chuyển sang nhập khẩu thay vì lắp ráp sản xuất,  Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng nói rõ, việc quy định các điệu kiện đối với nhà nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ sẽ không ảnh hưởng tới  thị trường ô tô cũng như ảnh hưởng tới chủ trương phát triển công nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước, bởi Việt Nam không điều chỉnh thuế ô tô nhập khẩu để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ lắp ráp, sản xuất sang nhập khẩu  phân phối.

Hơn nữa, việc nhà đầu tư nước  ngoài chuyển từ lắp ráp sản xuất sang nhà phân phối phụ thuộc vào hai yếu tố, một là lộ trình mở cửa thị trường của Việt Nam  theo cam kết WTO, hai là kết giảm thuế trong khuôn khổ các tổ chức thương mại tự do Việt Nam tham gia.

Ông Nguyễn Thành Biên cho biết thêm, hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ với lượng nhập khẩu 30  ngàn xe mỗi năm. Nếu tính bình quân mỗi doanh nghiệp nhập khoảng 20 xe/năm hay 2 xe/ tháng.

Việc doanh nghiệp tham gia thị trường nhập khẩu xe quá đông  trong khi dung lượng không lớn  cho thấy thị trường manh mún và cần phải có sự điều tiết theo hướng giảm bớt đầu mối nhập khẩu, tăng chất lượng dịch vụ, bảo đảm chất lượng từ khâu nhập khẩu cho tới khâu  bảo trì bảo dưỡng.

Về thủ tục hướng dẫn doanh nghiệp, được biết, Bộ Công Thương đang phối hợp cùng Bộ Ngoại giao hướng dẫn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xác định nguồn gốc sản phẩm.

Linh Đan


(Theo www.nguyentandung.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét