Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Dân bàn cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ giai đoạn 2011-2016 được đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ và các phương tiện thông tin đại chúng hôm 1/8/2011 đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây của GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam về bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trên.

BA ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN: LỰA CHỌN ĐÚNG VÀ HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ

Sau ¼ thế kỷ đổi mới, đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới của một nước thuộc Nhóm các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình MIG, trên 1000$/người. Đây là bước tiến về chất của Việt Nam, được thừa nhận rộng rãi trong nước và trên thế giới. Cùng với tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân 7%/năm suốt 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng trong việc thực hiện chiến lược tăng trưởng và giảm nghèo, tiếp tục tiến bước trên đường giảm nghèo bền vững. Để tiếp tục tiến nhanh và bền vững, nhằm mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế, Việt Nam cần có những quyết sách mạnh bạo trên cơ sở tư duy phát triển hiện đại. Văn kiện về Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 được Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua, đã chỉ rõ các rào cản, thắt nghẽn cần tháo cởi và cũng là các khâu cần đột phá trên đường phát triển. Nhân dịp Quốc hội khóa XIII thông qua danh sách Chính phủ mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết quan trọng được dư luận quan tâm về chủ đề này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong nhiệm kỳ 5 năm tới 2011-2016.

Lựa chọn đúng

Ba khâu đột phá phát triển được nêu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 là sự lựa chọn đúng. Chúng ta đã làm tốt, nhiều việc, tạo tiền đề cho phát triển. Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhanh cả đô thị và nông thôn, làm cho đời sống nhân dân thêm cải thiện; chú trọng phát triển công tác giáo dục và đào tạo với quy mô ngày càng lớn, phát triển khoa học và công nghệ, kể cả nhập thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ ngày càng tốt, có sức cạnh tranh cao. Chúng ta cũng đã tiến hành xây dựng một bước quan trọng hệ thống pháp luật của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, tiến hành cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh… có bước tiến mới.

GS. TSKH Nguyễn Quang Thái

GS. TSKH Nguyễn Quang Thái

Nhưng lúc này, để bảo đảm tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, có nhiều việc phải làm, thậm chí có việc rất cấp bách. Ra đường người dân thường gặp ách tắc giao thông, cung cấp điện, nước, xăng dầu kho bãi… gặp khó khăn khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật chất lượng kém, quy hoạch thiếu đồng bộ và hiện đại, chưa tương xứng với một xã hội đang phát triển nhanh, nhiều khi đã làm nản lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khi đến cơ quan, xí nghiệp làm việc hay có việc cần liên hệ, có thể thấy rõ tình trạng thiếu lực lượng lao động có tay nghề và nghiệp vụ tương ứng, đó là những khiếm khuyết cần khắc phục để xây dựng một hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ hội cho sự phát triển trong cạnh tranh lành mạnh, cả trong và ngoài nước.

Chính vì nhiều bất cập hiện đang cản trở sự phát triển, trong Chiến lược mới giai đoạn 2011-2020 đã nêu ba khâu đột phá, rất quan trọng. Đó là sự lựa chọn đúng, nhằm “tạo xung lực mới có sức lan toả mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững”. Nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ mới là thực hiện các biện pháp cụ thể dưới dạng một chương trình hành động cụ thể và hiệu quả để thực thi nghiêm túc sự lựa chọn đó tại Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đó cũng chính là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ mới nhằm tạo ra môi trường tốt nhất để phát triển bền vững , thực hiện thành công Chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020” bao gồm 5 quan điểm, 12 định hướng phát triển, hình thành một hệ thống đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… như một chỉnh thể thống nhất, bảo đảm phát triển bền vững.

Hành động cụ thể về hoàn thiện thể chế kinh tế

Bài viết của Thủ tướng đã nêu rõ ý nghĩa quan trọng có tính tiên quyết của việc “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính”, có tác động mở đường cho sự phát triển nhanh và bền vững, trong giai đoạn phát triển mới. Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu không ngừng hoàn thiện các loại thị trường “hàng hóa, dịch vụ, tài chính, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ được tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt, có tính cạnh tranh cao và gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới, được quản lý và giám sát hiệu quả”. Không có khuôn khổ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được hoàn thiện thì không thể tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; không tiến hành cải cách hành chính, chống tham nhũng một cách sâu rộng thì chưa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tự do làm ăn, phát huy tối đa các lợi thế so sánh ‘tĩnh” sẵn có, để gây dựng các lợi thế so sánh “động” trong thế giới không ngừng vận động, phát triển, trong khuôn khổ pháp luật cho phép và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong quá trình cải cách này, tương ứng với tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, Việt Nam chắc chắn phải có nhiều quy định mới, tương xứng với môi trường cạnh tranh mới. Không chỉ việc đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp đã dễ dàng hơn, mà toàn bộ môi trường kinh doanh cũng đang được cải thiện. Tuy nhiên, khi tiến hành hoàn thiện, chúng ta không chỉ so sánh với nhu cầu thực tế hiện tại, mà cần có so sánh thích đáng với môi trường cạnh tranh quốc tế. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng các doanh nghiệp càng thành lập dễ dàng thì do nhiều nhân tố, cũng có thể phải điều chỉnh, thậm chí dừng hoạt động. Đó là lẽ thường tình ở khắp các nước, cũng như ở nước ta. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong số hơn 500.000 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, nhưng chỉ khoảng 2/3 là hoạt động hiệu quả, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Vì sao vậy? Ở đây có cả nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp và cả nguyên nhân về môi trường kinh doanh. Theo báo cáo về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh CPI hằng năm do Phòng Thương mại và công nghiệp VCCI tiến hành, doanh nghiệp còn chưa thuận lợi trong việc tiếp cận các văn bản pháp luật (mới 2/3) và tài liệu kế hoạch (mới khoảng 50% các tài liệu công khai có thể tiếp cận) để có thông tin lựa chọn chiến lược kinh doanh. Theo báo cáo kinh doanh năm 2011 do Công ty Tài chính quốc tế IFC (thuộc Nhóm Ngân hàng thế giới) tiến hành tại các nước, thứ bậc cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện nhiều, nhưng vẫn chưa cao do việc thực hiện các dịch vụ công trong nhiều khâu còn thấp so với mặt bằng chung của các nước. Việc giảm tai nạn giao thông thì không chỉ cần có hạ tầng tốt, mà ý thức người tham gia giao thông cũng phải được nâng cao. Và để hỗ trợ việc này, việc ban hành hệ thống luật pháp giao thông và xử phạt có tính dăn đe các hành vi sai phạm cũng phải làm rất nghiêm minh, theo kinh nghiệm của thế giới….

Toàn bộ hệ thống pháp luật và khuôn khổ thể chế kinh tế thị trường cần được xây dựng đồng bộ, thực hiện nghiêm túc theo đúng định hướng XHCN, chính quyền Nhà nước là “của dân, do dân và vì dân”. Làm tốt trong nhiệm kỳ 2011-2016 các nhiệm vụ như nêu trong bài viết của Thủ tướng, chính là tạo dựng các điều kiện thuận lợi cho một môi trường cạnh tranh lành mạnh, để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện kinh doanh không chỉ trong nước mà còn vươn ra cạnh tranh bình đẳng trên thị trường khu vực và thế giới, để hàng hóa và dịch vụ Việt Nam ngày càng có vị trí xứng đáng trên thị trường trong nước và toàn cầu.

Thủ tướng cũng nêu rõ hàng loạt nhiệm vụ khác có quan hệ chặt chẽ về “hạn chế tối đa độc quyền kinh doanh trên các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế”. Đây đang là các vấn đề bức xúc không chỉ với các doanh nghiệp lớn nhỏ và cả người dân trong việc lựa chọn sản phẩm và dịch vụ một cách công bằng, tạo điều kiện để khu vực tư nhân ngày càng tham gia đầy đủ hơn vào quá trình xây dựng, để khu vực kinh tế Nhà nước có thể tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nhất khu vực tư nhân khó có điều kiện thực hiện, hơn là kinh tế Nhà nước cũng ham đi kinh doanh kiếm lời ngoài ngành chính hiện nay, như một số tập đoàn kinh tế và DNNN. Chính vì vậy, người dân hài lòng khi Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ của Chính phủ trong giai đoạn mới liên quan đến các DNNN là tiếp tục “đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, loại bỏ các hình thức ưu đãi và bao cấp còn tồn tại trên thực tế; minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo các tiêu chí của doanh nghiệp đăng ký trên thị trường chứng khoán. Đổi mới cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp”. Đây là thông điệp rõ ràng về cải cách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trong một hệ thống kinh tế thống nhất thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Người dân cũng rất hài lòng về thông điệp rõ ràng liên quan đến nhiệm vụ cải cách hành chính công là “phải cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên tất cả các nội dung: thể chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính và tài chính công gắn với một hệ thống phân cấp hợp lý, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng quản trị công – một trong những điểm yếu trong quản lý ở nước ta”. Chỉ nói riêng, tình trạng phân cấp quá tràn lan hiện nay đang gây nên tình trạng kém hiệu quả của nền kinh tế, không chỉ với  các quy hoạch chồng chéo, lãng phí, mà trong thực tế, sự phân cấp nhiều khi đã bị hiểu sai và làm sai, đến mức chia cắt lãnh thổ đất nước thành nhiều khu vực lãnh thổ ít liên kết, đã làm cho sức mạnh thống nhất của nền kinh tế quốc gia bị giảm thiểu. Chỉ nói riêng, việc liên kết vùng của chính quyền các tỉnh hiện nay trên thực tế làm được chưa nhiều so với các điều nói và thậm chí cam kết trên văn bản, đang làm người dân bức xúc. Chỉ sau khi Hà Nội hợp nhất được mấy năm, người dân mới nhận rõ thêm tình trạng thi công quá chậm chạp đường 32 không phải vì người dân không chịu trả sớm mặt bằng, mà chính là sự phối hợp của các ban ngành trong việc thực thi nhiệm vụ quan trọng, nhưng lại rất ‘dềnh dàng”, dù đã được nhiều vị lãnh đạo cao cấp đến thị sát, nhắc nhở!

Trên hết, người dân rất tâm đắc với tuyên ngôn của Thủ tướng trong nhiệm kỳ mới về Nhà nước kiểu mới, “phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển” và rằng “Nhà nước bằng quy hoạch, kế hoạch, các chính sách và công cụ điều tiết, hướng các nguồn lực vào các ngành, lĩnh vực và các vùng miền, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn liền với xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế”. Có thể nói, đó là một bước tiến rất đáng ghi nhận về việc nâng tầm cải cách hành chính từng bước thành vấn đề về quản trị quốc gia, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, cả nước cùng tham gia xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Hành động cụ thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Con người là yếu tố quyết định nhất. Chất lượng nguồn nhân lực được thể hiện không chỉ trong chất lượng từng người lao động chân tay và trí óc, mà còn được nâng tầm lên thành chất lượng của toàn hệ thống nguồn nhân lực, khoa học công nghệ của đất nước trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Sự bức xúc của dư luận xã hội về những yếu kém hiện nay của hệ thống giáo dục và đào tạo, của tình trạng khoa học và công nghệ, chưa tương xứng với yêu cầu của tình hình đã được phần nào giải tỏa qua bài viết về nhiệm vụ quan trọng bậc nhất này. Sau khi nêu lên ba đặc điểm kinh tế lớn đang chi phối sự phát triển của mỗi quốc gia (về khoa học công nghệ; về toàn cầu hóa; về tình trạng khan hiếm tài nguyên để phát triển bền vững), Thủ tướng đã nhấn mạnh rất đúng về việc đổi mới mô hình tăng trưởng, “vừa đặt ra yêu cầu vừa tạo điều kiện cho việc thay đổi mô hình phát triển, từ chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác các tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực rẻ nhưng chất lượng thấp sang sự phát triển dựa vào các nhân tố năng suất tổng hợp bao gồm khả năng áp dụng các thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý hiện đại”. Đây là cách đặt vấn đề đúng, đáp ứng tốt nhất và cụ thể nhất lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “vì lời ích trăm năm trồng người”. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ là “sự nghiệp 100 năm”, tức cũng là cần kiên trì và bền bỉ thực hiện các bước đi cần thiết để không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển khoa hoc công nghệ trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ hiện  nay.

Ghi nhận những thành tựu quan trọng đã đạt được, người dân cũng còn nhận rõ nhiều mặt yếu kém rất cần được bổ khuyết ngay và thực hiện theo một chiến lược dài hạn, với chương trình hành động cụ thể trong từng thời kỳ. Chính vì vậy, người dân hoan nghênh bài viết này của Thủ tướng, cũng như chiến lược và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực mới ban hành. Đồng thời, người dân mong mỏi, các ngành, các địa phương có những hành động thiết thực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, kiên trì hơn nữa để có thể gặt hái thành công sự nghiệp phát triển con người trong sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

Người dân cũng rất hài lòng về thông điệp rõ ràng liên quan đến nhiệm vụ cải cách hành chính công

Người dân cũng rất hài lòng về thông điệp rõ ràng liên quan đến nhiệm vụ cải cách hành chính công

Người dân rất tâm đắc với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, “trong 5 năm tới, phải tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai chương trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”. Đây là việc đã được các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước nêu ra, và nay được Chính phủ mới kiên quyết thực hiện, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Người dân cũng ghi nhận quyết sách “trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, Chính phủ sẽ đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ; hướng trọng tâm hoạt động khoa học công nghệ vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ban hành các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ưu tiên sử dụng các công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh”, tạo ra các chuyển biến mạnh hơn trong hệ thống khoa học công nghệ quốc gia, mà không chỉ chú ý đến hệ thống dùng ngân sách Nhà nước.

Trong lĩnh vực con người nói chung, không thể nóng vội, làm theo kiểu từng “chiến dịch” giản đơn, thiếu nối kết. Tương ứng với thể chế kinh tế thị trường đang hoàn thiện, việc đề ra quy hoạch và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực nên bớt đi các quyết định mang tính hành chính, các chỉ tiêu kế hoạch “quá cứng nhắc” về đào tạo cho từng năm, trong khi thị trường chỉ có thể đón nhận sản phẩm sau 3-5 năm của thế giới rất năng động ngày nay. Để đáp ứng nhu cầu dân trí và nhu cầu lao động dài hạn của đất nước đang độ “dân số vàng” chỉ có trong vòng 20-25 năm nữa, có lẽ cần có nhiều quyết định và bước đi mạnh dạn hơn để tạo ra sự bùng nổ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, với những sự “cởi trói” mạnh dạn cho người dân dưới sự chỉ đạo và quản lý của Nhà nước, tạo ra sự đột phá mạnh mẽ như sự bùng nổ kinh tế đã tạo ra sau Luật doanh nghiệp, với tư tưởng “tự do kinh doanh lĩnh vực mà pháp luật không cấm”. Khi đề cập tới nguồn nhân lực là đề cập tới mọi người, tới quá trình học tập không ngừng rất đa dạng, thì tác động chỉ đạo, thậm chí giao chỉ tiêu và các hạn mức quá cụ thể của Chính phủ và các bộ liên quan… mang tính hành chính sẽ có tác đụng hết sức có giới hạn, vậy nên cần tăng mạnh công tác kiểm tra, thanh tra học chính, thanh tra khoa học công nghệ… với cơ chế vừa chặt chẽ, vừa thông thoáng, mang tính hệ thống, dài hạn để tạo nên những cải cách, đổi mới mạnh mẽ trong đường hướng quản lý chung của Nhà nước. Trong lĩnh vực này chắc còn nhiều điểm phải bàn cụ thể hơn, khi nhân tố con người có ý nghĩa quyết định thường xuyên liên tục, dài hạn, được người dân và toàn xã hội hết sức quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe giới thiệu mô hình Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe giới thiệu mô hình Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội

Hành động cụ thể về kết cấu hạ tầng và đô thị

Mọi người đều thấy kết cấu hạ tầng nói chung và đô thị nói riêng còn có nhiều việc cần làm ngay. Vì vậy, người dân rất đồng tình với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 xác định: Xây dựng kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn là một khâu đột phá.

Bài viết của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ các khâu đột phá cụ thể trong 5 năm tới mà Chính phủ tập trung làm. Chúng tôi hoan nghênh chủ trương “phải thay đổi cách tiếp cận từ khâu quy hoạch, lựa chọn các ưu tiên đến phương thức huy động nguồn lực và thủ tục triển khai dự án” với việc “xây dựng quy hoạch theo sự phân bố lực lượng sản xuất và bố trí dân cư gắn với quá trình đô thị hoá trên tầm nhìn cả nước”

Mọi người đều biết, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng và đô thị hiện đại tương xứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đòi hỏi nguồn lực rất lớn từ mọi nguồn, trong khi tổng nguồn lực của đất nước không thể dành cho đầu tư lớn như mức khoảng 40%GDP như hiện nay, mà phải giảm xuống, nhưng tăng hiệu quả lên để vẫn bảo đảm đất nước có sự phát triển nhanh và bền vững. Đó là một khó khăn không nhỏ. Trong điều kiện đó, chỉ có thể tập trung vào một số công trình lớn như đã nêu:

-         “Thứ nhất, tập trung đầu tư tuyến đường bộ Bắc – Nam. Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông ở những vùng có dung lượng hàng hóa lớn, các địa bàn thuộc các cực tăng trưởng, kết nối với các vùng miền, với khu vực và quốc tế, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh, thúc đẩy tăng trưởng của cả nước. Hiện đại hóa và nâng cao năng lực các dịch vụ tổng hợp của 3 cảng biển lớn ở 3 khu vực: Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh – Vũng Tàu và Miền Trung; hình thành các trung tâm kinh tế biển lớn. Gắn việc phát triển kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới; quan tâm giải quyết những yêu cầu bức xúc về sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại, phòng chống lũ quét trên địa bàn miền núi và vùng đồng bào dân tộc”. Trong lĩnh vực này, cần tập trung trước hết cho hai đầu đất nước, có khối lượng giao dịch lớn và liên kết với nhau, đồng thời chuẩn bị các điều kiện thực tế để phát triển mạnh kinh tế biển, với hệ thống cảng biển và đô thị ở Miền Trung.

-         “Thứ hai, tập trung nâng cấp, phát triển đồng bộ và hiện đại hoá hệ thống hạ tầng các đô thị lớn gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư. Phát triển nhanh hệ thống giao thông đô thị, nhất là giao thông công cộng. Tập trung giải quyết nạn ùn tắc và úng ngập ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”. Nhiệm vụ này rất quan trọng khi tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng ngày càng có diễn biến phức tạp, gây trở ngại cho quá trình phát triển bền vững đất nước. Cũng cần có những kế sách ứng phó với sự thay đổi dòng chảy của các con sông khi có các thủy điện trên dòng sông nội địa và liên quốc gia. Đây cũng là vấn đề quan trọng gắn với an ninh lương thực quốc gia. Liên quan đến vấn đề này, cần tính toán “tối ưu” lượng xuất khẩu gạo, có hệ thống kho tồn trữ để chủ động nhiều hơn trong việc tham gia thị trường, có lợi cho người sản xuất và đất nước nói chung trong mọi tình huống.

-         “Thứ ba, phát triển nhanh hệ thống nguồn và truyền tải điện đi đôi với sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo đảm đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển của đất nước và đời sống nhân dân”. Cần có chính sách năng lượng quốc gia thống nhất, chủ động ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới, với giá cả tăng nhanh, tạo ra sự ổn định vững chắc của nền kinh tế nước nhà trong mọi tình huống.

-         “Thứ tư, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống thuỷ lợi, chú trọng xây dựng và củng cố hệ thống đê biển, đê sông, các trạm bơm, các công trình ngăn mặn và xả lũ. Xây dựng các công trình phòng tránh thiên tai, các khu neo đậu tàu thuyền để giảm nhẹ thiệt hại cho nhân dân. Hiện đại hoá ngành thông tin – truyền thông và hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển và góp phần nâng cao năng suất lao động”. Trong lĩnh vực này, cần huy động đông đảo lực lượng cán bộ khoa học công nghệ tham gia làm quy hoạch, có sự tư vấn, phản biện và giám định xã hội thật tốt, sự kiểm tra giám sát của nhân dân, vì các vấn đề này có liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội, nhất là những người còn trong hoàn cảnh khó khăn.

Người dân hoan nghênh các chủ trương về cơ chế chính sách, về huy động các nguồn lực đa dạng, về đổi mới quy trình và thủ tục,… tăng cường nhiều hơn vai trò giám sát từ đầu đến suốt quá trình khai thác công trình của người dân. Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu, thì những khó khăn của tình trạng lạm phát cao hiện nay đang gây vô vàn khó khăn cho việc thực hiện sự chỉ đạo vấn đề này. Nhưng người dân tin tưởng rằng, một khi đã nhận thấy các yếu kém, có kế hoạch chi tiết thì nhất định sẽ thành công. Bác Hồ đã dạy: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính… Sợ phê bình, tức là “quan liêu hóa”, tức là tự mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi”. Phê bình không phải để công kích, để nói xấu, chửi rủa”. (Hồ Chí Minh, tập 5, trang 261). Người dân phê bình, hiến kế và đồng hành cùng Chính phủ thực thi các kế sách.

Bất cứ ai đọc bài của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 đều có ước nguyện đồng hành cùng Chính phủ, thực hiện và giám sát thực hiện chương trình hành động của Chính phủ mới, mang lại hiệu quả cho đất nước và dân tộc theo hướng phát triển nhanh và bền vững.

GS. TSKH Nguyễn Quang Thái

Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét