Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Chính phủ khóa mới giảm chồng chéo trong quản lý nhà nước


Trong khi cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa mới được đề nghị gần giữ nguyên như cũ, một số bất cập, chồng chéo trong quản lý nhà nước đã bộc lộ thời gian qua nên được xử lý như thế nào?

Đó là câu hỏi Tuổi Trẻ đặt ra với ông Đinh Xuân Thảo (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Ông Thảo cho rằng:

Ông Đinh Xuân Thảo - Ảnh: Nguyễn Triều

Ông Đinh Xuân Thảo - Ảnh: Nguyễn Triều

- Việc sáp nhập một số bộ ngành để tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, một việc do một cơ quan chủ trì và có một vài bộ ngành khác cùng phối hợp đã cho thấy có sự phù hợp trên thực tế. Những chồng chéo trong quản lý nhà nước ngày càng được giảm bớt.

Tổng kết mười năm thực hiện cải cách hành chính cho thấy nếu như các khóa trước có đến cả trăm việc chồng chéo thì hiện nay chỉ còn khoảng 9-10 lĩnh vực còn chồng chéo. Như vậy, nếu như cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa mới vẫn được giữ nguyên, nghĩa là giữ “bộ khung”, chúng tôi cho rằng phải tính đến việc sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ cụ thể của một số bộ ngành.

- Nghĩa là cần có sự rà soát, sửa đổi bên dưới “bộ khung”?

- Đúng vậy và điều này Chính phủ hoàn toàn làm được. Bởi lẽ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành nằm trong các nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chúng tôi cho rằng sau khi Quốc hội có quyết định về cơ cấu tổ chức cũng như bầu, phê chuẩn nhân sự Chính phủ khóa XIII, một trong những việc cần làm đầu tiên của Chính phủ là khẩn trương rà soát, xem xét sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ, các nghị định quy định về tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập đã bộc lộ thời gian qua.

* Có ý kiến cho rằng trong trường hợp nhất định, việc hình thành bộ đa ngành chưa đi liền với việc sắp xếp lại cơ cấu bên trong của mỗi bộ, mà ngược lại, hiện đang có xu hướng phình to hơn cơ cấu bên trong, ví dụ như tổng cục?

- Đây là vấn đề mà dư luận quan tâm, do vậy Chính phủ cần có tổng kết trong thời gian tới. Chúng ta không nên “vơ đũa cả nắm”, vì thực tế có những bộ sau khi sáp nhập quá lớn, việc thành lập tổng cục tạo thuận lợi quản lý chuyên sâu lĩnh vực.

Tuy nhiên phải có tổng kết và quy định tiêu chí thật chặt chẽ là bộ nào, lĩnh vực nào mới được thành lập tổng cục. Như thế sẽ tránh được tình trạng “lạm phát” tổng cục, tránh hiện tượng thành lập tổng cục chỉ giúp giải quyết chế độ, chính sách cho một số người cụ thể mà không thật sự giúp tạo ra nền hành chính thông suốt, minh bạch từ trên xuống dưới.

* Hiện nay đang nổi lên vấn đề phát triển kinh tế biển. Theo ông, mô hình quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã phù hợp chưa?

- Hiện nay có Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam trong Bộ Tài nguyên – môi trường. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có chức năng quản lý nhà nước về thủy sản. Nói về kinh tế biển thì còn có dầu khí, hàng hải, du lịch… thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của nhiều bộ khác. Như vậy đây là một lĩnh vực tổng hợp, liên quan đến nhiều bộ ngành khác nhau.

Nhìn ra thế giới, nhiều nước có vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn thì họ thường thành lập bộ riêng để quản lý. Như vậy đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ. Nhiệm kỳ này chưa đặt ra việc thành lập bộ mới, tuy nhiên về lâu dài khi điều kiện chín muồi thì có thể đề xuất thêm, bớt các bộ sao cho hợp lý.

V.V.THÀNH thực hiện


(Theo website Nguyễn Tấn Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét